Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều địa phương đẩy mạnh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh gia tăng vào dịp Tết

Chủ Nhật, 07/01/2024 17:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại địa phương đã hướng dẫn người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…

 
 Ảnh minh họa. Nguồn: Quang Nhật

TP. Hồ Chí Minh: Khuyến cáo người dân đề phòng với một số dịch bệnh có thể gia tăng vào dịp Tết

Giai đoạn cuối năm là thời điểm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có khả năng tăng cao, trong đó bao gồm cả COVID-19. Bên cạnh đó, nhu cầu giao thương, du lịch vào cuối năm tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã có khuyến cáo tới người dân để phòng tránh dịch bệnh.

HCDC khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình. Phòng ngừa các bệnh viêm hô hấp, người dân cần chủ động đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…

Người có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần hạn chế tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ cao (người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền); chú ý tiêm phòng đối với các bệnh đã có vaccine phòng ngừa như cúm, COVID-19. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Phòng ngừa cúm gia cầm lây sang người, người dân không nên sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; chọn lựa nơi mua gia cầm đáng tin cậy, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; thực hiện ăn chín, uống chín. Ngoài ra, không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Đắk Lắk: Phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm phức tạp trong mùa Đông - Xuân

Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, song các bệnh truyền nhiễm vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan. Đặc biệt, vào thời điểm chuyển mùa và Tết Nguyên đán năm 2024 đang đến gần, nhu cầu đi lại, giao lưu, tiếp xúc của người dân tăng cao là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát triển.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2023, sốt xuất huyết ghi nhận các ca mắc tại 15/15 đơn vị huyện, thị xã, thành phố. Số ca mắc giảm khoảng 50% so với năm trước, nhưng số ổ dịch tăng gần 2 lần. Số trường hợp mắc bệnh và tử vong cao hơn so với dự đoán theo chu kỳ đỉnh dịch. Tính tới đầu tháng 12/2023, toàn tỉnh ghi nhận gần 5.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chủ yếu ở huyện Ea Kar, Ea H’leo, Krông Pắk, thành phố Buôn Ma Thuột… với 558 ổ dịch, 6 ca tử vong, trong đó có 3 ca tử vong ở huyện Krông Pắk. Đáng chú ý, một số dịch bệnh ghi nhận tăng cao, gây ra dịch ở nhiều địa phương. Cụ thể, bệnh đau mắt đỏ với 38.695 trường hợp mắc, bệnh thủy đậu 352 trường hợp, 7 ca viêm não Nhật Bản…

Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận nhiều ca viêm não màng não, trong đó có tới 7 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Đáng chú ý, các trường hợp đều trẻ dưới 15 tuổi. Đặc điểm của bệnh viêm não Nhật Bản xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi, không được tiêm phòng đầy đủ. Qua các trường hợp khi phát hiện, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã cử cán bộ xuống lấy mẫu xét nghiệm. Qua điều tra, xung quanh nhà các bệnh nhân đều ghi nhận có sự hiện diện của muỗi Culex sinh sống là véc tơ truyền bệnh Viêm não Nhật bản. Đây là điều đáng báo động vì khả năng truyền bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra nếu như không có biện pháp phòng bệnh tốt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Minh Thu 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, để phòng bệnh, người dân cần vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, chuồng trại, sử dụng thuốc khử khuẩn… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu Sở Y tế ban hành công văn chỉ đạo lực lượng Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh; tuyên truyền để người dân đi tiêm vaccine đầy đủ theo đúng lịch khuyến cáo của Bộ Y tế; đồng thời, khi phát hiện bệnh, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được chuẩn đoán, kịp thời điều trị, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Quảng Bình: Đặt mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2026

Tỉnh Quảng Bình đặt ra kế hoạch, mục tiêu phấn đấu đến năm 2026 loại trừ bệnh sốt rét trên phạm vi toàn tỉnh, củng cố các yếu tố bền vững nhằm ngăn chặn bệnh này quay trở lại.

Các mục tiêu cụ thể tỉnh Quảng Bình đã đặt ra gồm: tiếp tục đẩy lùi nguy cơ dịch sốt rét tại các khu vực trọng điểm; không để dịch sốt rét xảy ra, hạn chế nguy cơ sốt rét lan rộng, hạn chế ký sinh trùng Plasmodium falciparum kháng thuốc phối hợp. Tỉnh phấn đấu hạ tỷ lệ mắc cũng như tử vong do bệnh sốt rét trên địa bàn xuống dưới 0,10/1000 dân; nâng cao chất lượng phòng, chống sốt rét ở các tuyến, dần đạt các yếu tố bền vững trong phòng, chống sốt rét; triển khai các biện pháp đề phòng bệnh sốt rét quay trở lại các vùng đã loại trừ bệnh sốt rét.

Tỉnh Quảng Bình cũng đã đề ra nhiều chỉ tiêu cụ thể cần phấn đấu đạt được như: trên 95% người nghi ngờ sốt rét được khám bệnh và xét nghiệm; 100% người nhiễm ký sinh trùng sốt rét được điều trị đúng theo phác đồ của Bộ Y tế; 100% người nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum được điều trị bằng thuốc sốt rét phối hợp DHA; trên 95% hộ gia đình ở vùng sốt rét lưu hành nặng và vừa được sử dụng thuốc tẩm màn, phun hóa chất phòng, chống muỗi truyền bệnh sốt rét; 100% trường hợp bệnh được báo cáo, điều tra đầy đủ đúng hạn theo hướng dẫn quốc gia; 100% người bệnh được xử lý kịp thời trong vòng 7 ngày…

Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Quảng Bình đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện Kế hoạch loại trừ bệnh sốt rét trên phạm vi toàn tỉnh vào năm 2026 đến các cấp ngành, đoàn thể, đơn vị chuyên môn, chính quyền các địa phương. Cùng với đó, tỉnh đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện trong công tác chỉ đạo điều hành như: truyền thông giáo dục sức khoẻ; củng cố mạng lưới y tế cơ sở; công tác kiểm tra, thanh tra; hoạt động tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn./.

Khánh Thi (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN