Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn về giá sách giáo khoa
(ĐCSVN) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc diễn ra sáng 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề quản lý và trách nhiệm của các Bộ khi để giá sách giáo khoa tăng cao như hiện nay.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang chất vấn. Ảnh: QH |
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (tỉnh Hải Dương) cho rằng, theo quy định về Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp là các nhà xuất bản tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa và thực hiện kê khai với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường.
Do vậy, theo đại biểu Ngọc Dung giá sách giáo khoa là do Bộ Tài chính chứ không phải từ phía Bộ GD&ĐT quy định, nhưng thời gian qua, có vẻ như trong dư luận thì Bộ GD&ĐT lại đang phải hứng chịu nhiều than phiền. Do đó, xảy ra một thực tế, đó là Bộ này chịu trách nhiệm chất lượng sách giáo khoa, Bộ kia thẩm định giá, gây ra những vấn đề liên quan đến quản lý và trách nhiệm. Đại biểu Ngọc Dung đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính có chia sẻ hay giải pháp gì để giải quyết về vấn đề giá sách giáo khoa mà nhân dân cả nước đang rất quan tâm?
Ngay sau đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao (tỉnh Kiên Giang) cũng chất vấn, hơn 2 năm về trước, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ GD&ĐT có kiến nghị Bộ Tài chính là tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai thực hiện Luật Giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá nhưng đến nay Bộ chưa hoàn thành. Đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ và đến khi nào Bộ hoàn thành kiến nghị này để người dân yên tâm vì còn 2 tháng nữa các em học sinh bước vào năm học mới?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực ra giá sách giáo khoa không phải là mặt hàng Nhà nước định giá mà đây thuộc danh mục kê khai giá, cho nên quyền quyết định giá là của các nhà sản xuất ra sách giáo khoa. Trên cơ sở đấy người mua sẽ lựa chọn để mua những chỗ nào chất lượng tốt nhất và giá rẻ nhất, trên tinh thần là phải minh bạch, phải niêm yết một cách công khai. Còn Nhà nước chỉ thẩm định giá đối với những loại sách hay đối với những loại sản phẩm được mua bằng ngân sách của Nhà nước. Ví dụ như từ ngân sách địa phương thì Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, từ ngân sách của trung ương thì Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính, khi xuất cấp ngân sách ra thì phải thẩm định và đặt hàng đối với sản phẩm mà Nhà nước mua.
Về việc đưa sách giáo khoa vào bình ổn giá theo Luật Giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ, việc có được đưa vào hay không là thẩm quyền của Quốc hội. Còn việc đề xuất là việc của các Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ và Chính phủ sẽ tham mưu cho Thường vụ Quốc hội, tham mưu cho Quốc hội và Quốc hội quyết định có đưa việc này vào trong diện bình ổn giá hay không, có đưa vào Luật Giá hay không? Hiện nay, Luật Giá của chúng ta đang sửa theo lộ trình, các kỳ họp tới sẽ tiến hành bàn về Luật Giá trong nhiệm kỳ này.
"Về phía Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT cũng đã trao đổi, đã có buổi làm việc, cùng thống nhất sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ để đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật Giá sắp tới sửa nhưng có được quyết định hay không là do Quốc hội"- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Tiếp theo phần tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) bày tỏ sự ngạc nhiên khi nghe được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói về việc thẩm định giá áp dụng đối với loại hàng chỉ mua bằng ngân sách Nhà nước. Khẳng định, tiền của người dân, nhất là của dân nghèo, những gia đình có con đi học cũng rất quý, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội sớm đưa sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc biệt được thẩm định giá và cần có sự trợ giá sách giáo khoa cho học sinh ở các vùng khó khăn càng sớm càng tốt. Cuối cùng là Luật Giá cần được sửa đổi sao cho phục vụ Nhân dân được tốt nhất, đặc biệt là có sự hỗ trợ đối với gia đình có con đi học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình làm rõ thêm, thời gian sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội giải pháp ổn định và lâu dài về vấn đề giá sách giáo khoa. Về vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đang tích cực soạn thông tư mới về quy cách, quy chuẩn của sách cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay, quy định này cũng sẽ góp phần tác động vào giá sách. Trong việc yêu cầu doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm khâu trung gian, chi phí phát hành cạnh tranh lành mạnh, Bộ đã và đang làm, sẽ tiếp tục thực hiện với Nhà xuất bản Giáo dục.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó có nêu rõ “giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào”. Do đó, Bộ trưởng mong muốn các địa phương cùng với Bộ GD&ĐT tiếp tục kiểm soát việc này các trường học thuộc địa bàn của mình để tránh gây bức xúc trước dư luận./.