Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều chính sách triển khai Chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN

Thứ Hai, 21/11/2022 14:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đến nay, các cơ quan trung ương đã hoàn thành việc ban hành cơ chế, chính sách phục vụ triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN. Ở cấp địa phương, đa số các tỉnh đã ban hành nghị quyết, quyết định và kế hoạch chỉ đạo điều hành liên quan trực tiếp đến công tác triển khai Chương trình.

Đại diện Ủy ban Dân tộc cho biết, Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, có nội dung cơ bản được tích hợp từ 118 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016-2020, kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành tổng cộng 10 dự án, 14 tiểu dự án và các nội dung chính sách thành phần do 23 bộ, ngành quản lý và tổ chức triển khai thực hiện. Do đây là chương trình mục tiêu quốc gia lần đầu tiên được phê duyệt dành riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN, đồng thời là chương trình có tổng nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước lớn nhất hiện nay (giai đoạn I (2021-2025) tối thiểu là 104.954 tỷ đồng), vì vậy để tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình theo đúng thủ tục, trình tự và quy định của pháp luật đòi hỏi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ trương trình và các bộ, ngành, địa phương phải nghiên cứu, ban hành một số lượng lớn các văn bản quy định, hướng dẫn về cơ chế, chính sách phục vụ triển khai thực hiện chương trình từ cấp trung ương đến địa phương. Đến thời điểm hiện nay, ở cấp Trung ương đã hoàn thành việc ban hành cơ chế, chính sách phục vụ triển khai thực hiện Chương trình.

Việc ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực này. (Ảnh minh họa: TH)

Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 25 văn bản về cơ chế, chính sách phục vụ việc chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình, bao gồm 02 Nghị định của Chính phủ; 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 18 Thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu Dự án và Nội dung thành phần của Chương trình.

Như vậy, việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phục vụ triển khai thực hiện Chương trình đã cơ bản hoàn thành với tổng cộng 30 văn bản; còn duy nhất nội dung “Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin xấp xã phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm đảm an ninh trật tự” đang được Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương khảo sát thực tế tại các địa phương để có những phương án điều chỉnh về địa điểm xây dựng phù hợp với điều kiện đặc thù và các phương án tối ưu về công nghệ trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và phải hoàn thành trong Quý IV năm 2022. 

Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Tổ Công tác về Chương trình MTQG DTTS&MN và cơ quan chủ trì Chương trình đã ban hành 69 quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan việc tổ chức triển khai thực hiện.

Ở địa phương, có 50 tỉnh, thành phố tham gia thực hiện Chương trình. Trong 9 tháng đầu năm 2022, các tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định và kế hoạch chỉ đạo điều hành liên quan trực tiếp đến công tác triển khai Chương trình. Cụ thể, có 44 tỉnh đã ban hành Nghị quyết, Quyết định, quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 giai đoạn I: từ 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; 44 tỉnh ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách trung ương năm 2022 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022; 44 tỉnh đã ban hành Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình cho cả giai đoạn và năm 2022.

Các cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh cũng đang khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành gồm: Kế hoạch triển khai công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, Kế hoạch truyền thông về Chương trình.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu: Trình HĐND tỉnh ban hành quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; Trình UBND tỉnh quyết định các nội dung về: Quy định cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, danh mục các dự án thuộc Chương trình được áp dụng cơ chế đặc thù; thiết kế mẫu, thiết kế điển hình và áp dụng các thiết kế sẵn có đối với các dự án; chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án; việc quản lý, vận hành công trình; quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì công trình; việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giao cho cộng đồng tự thực hiện xây dựng công trình theo định mức hỗ trợ (bằng hiện vật hoặc bằng tiền); quy định cơ chế lòng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 ... trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ. Đến nay, nhiều địa phương đã thực hiện xong nội dung này và đã ban hành Quyết định thực hiện./.

Hồng Quyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN