Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao

Thứ Tư, 20/02/2019 16:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Học viện Ngoại giao là tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Ngoại giao, thực hiện chức năng nghiên cứu chiến lược về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại; đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại.

Về nghiên cứu khoa học, Học viện ngoại giao có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, tổng hợp và dự báo chiến lược về tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông, quan hệ quốc tế, các vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, luật pháp, văn hóa và chính sách đối ngoại của các quốc gia và vùng lãnh thổ; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong việc xây dựng, hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng lý luận quan hệ quốc tế của Việt Nam trên cơ sở tổng kết lịch sử ngoại giao Việt Nam và lịch sử, lý luận quan hệ quốc tế; tổ chức nghiên cứu về kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động đối ngoại; hợp tác, trao đổi học thuật với các trường đại học, học viện, viện, trung tâm nghiên cứu và các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ trong và ngoài nước phù hợp với chức năng và nhiệm vụ được giao.

Về đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Ngoại giao có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, sau đại học về quan hệ quốc tế, luật quốc tế, kinh tế quốc tế, truyền thông quốc tế, ngoại ngữ và các chuyên ngành khác theo quy định của pháp luật.

Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại, nghiệp vụ ngoại giao, kỹ năng công tác đối ngoại, ngoại ngữ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của các bộ, ngành, địa phương; cán bộ, công chức, viên chức trong ngành ngoại giao và cán bộ làm công tác đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương; tiến hành kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ đối ngoại, ngoại ngữ của các đối tượng liên quan theo quy định và thẩm quyền được giao; liên kết đào tạo đại học và sau đại học, hợp tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ ngoại giao, ngoại ngữ với các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, các tổ chức trong nước và nước ngoài.

Biên soạn và xuất bản các ấn phẩm, công trình nghiên cứu khoa học, giáo trình, tài liệu giảng dạy về đối ngoại, lịch sử ngoại giao Việt Nam và thế giới, quan hệ quốc tế và các lĩnh vực liên quan.

Cơ cấu tổ chức

Về cơ cấu tổ chức, Học viện Ngoại giao có 15 đơn vị gồm: 1- Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao; 2- Viện Biển Đông; 3- Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại; 4- Trung tâm Thông tin, Tư liệu; 5- Văn phòng; 6- Ban Đào tạo; 7- Phòng Quản lý khoa học; 8- Khoa Lý luận chính trị; 9- Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao; 10- Khoa Kinh tế quốc tế; 11- Khoa Luật quốc tế; 12- Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại; 13- Khoa Tiếng Anh; 14- Khoa Tiếng Pháp; 15- Khoa Tiếng Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Học viện Ngoại giao; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị từ (1) đến (6) nêu trên.

Giám đốc Học viện Ngoại giao quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị từ (7) đến (15).

Học viện Ngoại giao có Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc./.

VA

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN