Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 là củng cố, bù đắp kiến thức cho học sinh
(ĐCSVN)- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc bù đắp kiến thức được ngành Giáo dục xác định không chỉ thực hiện trong một năm mà còn kéo dài trong nhiều năm. Bên cạnh việc bù đắp kiến thức, nhà trường cũng cần nhận diện được những vấn đề tâm lý của học sinh, để có tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em trong đại dịch COVID-19 và sau khi quay lại trường học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: TL |
Sẽ tiến hành rà soát tình hình dạy học trực tuyến
Học kỳ 1 của năm học 2021-2022 đã kết thúc trong điều kiện đa số các địa phương dạy học trực tuyến. Mặc dù, thầy cô giáo cả nước đã và đang cố gắng khắc phục khó khăn để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn nhưng chất lượng là điều đáng bàn. Ngày 25/1, chia sẻ với phóng viên về khó khăn này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, không chỉ trong học kỳ I năm học 2021-2022 mà trong suốt hai năm qua, hoạt động dạy học trực tuyến đã được ngành Giáo dục triển khai trên diện rộng bởi yêu cầu ứng phó bắt buộc với dịch bệnh. Cũng vì ứng phó bắt buộc nên việc triển khai nhìn chung còn bị động, thiếu đồng bộ và thiếu nhiều điều kiện cần thiết. Sự khác nhau về hạ tầng truyền thông, điều kiện kinh tế giữa các các vùng miền đã tạo nên khoảng cách lớn trong tiếp cận giáo dục, trong đó các học sinh, đặc biệt ở các cấp học mầm non, tiểu học thuộc các khu vực khó khăn, miền núi hải đảo… phải chịu thiệt thòi hơn cả.
Rất nhiều giải pháp từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đã được đưa ra; rất nhiều sự nỗ lực từ cán bộ quản lý, giáo viên, đến học sinh, phụ huynh đã được thể hiện. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động, các bộ, ngành triển khai thực hiện, các địa phương hưởng ứng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đồng hành… để cùng góp thiết bị học tập, góp sóng internet cho dạy và học là một ví dụ. Đến thời điểm này đã có hàng chục nghìn máy tính, điện thoại được gửi tới học sinh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, dạy học trực tuyến, nhất là ở bậc phổ thông không thể có chất lượng như dạy học trực tiếp, ngay cả đối với nhiều nước có điều kiện tốt hơn Việt Nam. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể, chúng ta phải cân nhắc và lựa chọn giải pháp dạy học linh hoạt và phù hợp nhất. Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành rà soát tình hình dạy học trực tuyến, qua đó có những đánh giá cụ thể và đưa ra các giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới. Có thể nói, 2 năm qua, hình thức dạy học này đã giúp các hoạt động giáo dục không những không gián đoạn mà còn được tiếp nối theo cách phù hợp và hiệu quả nhất có thể.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nhìn theo hướng tích cực, dịch bệnh là một cú hích thúc đẩy ngành Giáo dục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt trong công tác dạy học trực tuyến, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Về lâu dài, đây là động lực của quá trình chuyển đổi số trong toàn ngành.
Hiện nay, trên cơ sở khảo sát, đánh giá của Bộ GD&ĐT, các địa phương, chuyên gia… có thể thấy, sau một thời gian dài nhiều địa phương do dịch bệnh chuyển sang dạy học trực tuyến đã phần nào duy trì nhịp độ học tập và bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, nếu kéo dài hơn việc dạy học gián tiếp với các hình thức qua internet, trên truyền hình, thì tác động tiêu cực sẽ lớn dần, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học và các đối tượng liên quan. Đến thời điểm này, khi tỷ lệ tiêm vắc xin trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi; kinh nghiệm phòng chống dịch, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa được tăng cường; chúng ta có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.
Việc bù đắp kiến thức có thể được kéo dài trong nhiều năm
Đề cập đến vấn đề nhiều địa phương đang dần dần đưa học sinh trở lại trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, mong mỏi được đến trường học tập trực tiếp của học sinh, giáo viên là mong mỏi rất chính đáng. Đối với ngành Giáo dục, việc chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, dần mở cửa trường học là nhiệm vụ rất quan trọng để các hoạt động giáo dục sớm quay trở lại trạng thái bình thường.
Thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều hướng dẫn cụ thể gửi các địa phương về việc dạy học trực tiếp, mở cửa trường học an toàn; Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Bộ Y tế để có hướng dẫn tới từng cơ sở giáo dục về các phương án đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Cùng với việc mở cửa trường học, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh sau khi các em được trở lại học trực tiếp, trong đó rà soát, đánh giá và phân định từng nhóm học sinh cụ thể để lên kế hoạch dạy bù trong ngắn hạn và dài hạn. Việc bù đắp kiến thức được ngành giáo dục xác định không chỉ thực hiện trong một năm mà còn kéo dài trong nhiều năm. Bên cạnh việc bù đắp kiến thức, các nhà trường cũng cần nhận diện được những vấn đề tâm lý của học sinh để tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em trong đại dịch COVID-19 và sau khi quay lại trường học.
Cân nhắc lộ trình kiểm tra, đánh giá phù hợp
Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản chỉ đạo điều chỉnh về cách xác định cấp độ dịch, Bộ GD&ĐT theo đó cũng sẽ ban hành văn bản điều chỉnh các văn bản cũ để phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế trong tình hình mới. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng sẽ có thêm một số hướng dẫn cho bậc mầm non để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai. Trước khi học sinh quay trở lại trường, cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh và học sinh; trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường cần có các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, kỹ năng khác. Bởi sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp học sinh ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp, do đó, cần có những hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, với hình thức dạy trực tuyến đã được xác lập trong 2 năm qua và tạo ra cú hích thúc đẩy công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Giáo dục, chúng ta cần chú ý không vì học sinh trở lại học trực tiếp mà lãng phí hình thức dạy học này. Ngược lại cần tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 là củng cố, bù đắp kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho những năm tiếp theo, vì vậy, khi học sinh trở lại, các nhà trường cần tập trung hỗ trợ kiến thức, tâm lý cho học sinh, thực hiện đánh giá, phân nhóm phù hợp để hỗ trợ hiệu quả.
Bộ trưởng cũng lưu ý, thời gian qua, các địa phương, nhà trường triển khai dạy và học dựa theo nội dung chương trình cốt lõi do Bộ GD&ĐT ban hành, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, các Sở GDĐT cần tiếp tục thực hiện nội dung chương trình này. Nếu các địa phương, cơ sở giáo dục nào hoàn thành sớm thì quay trở lại củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Bên cạnh đó, các địa phương, nhà trường cũng cần cân nhắc lộ trình kiểm tra, đánh giá phù hợp./.