Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

NHCSXH tỉnh Lâm Đồng: Tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu, 17/06/2016 15:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCHTW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trong những năm qua, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực và đạt một số kết quả quan trọng trong công tác đầu tư tín dụng chính sách xây dựng NTM trên địa bàn.

Gắn tín dụng chính sách với giảm nghèo, xây dựng NTM

Ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 1 (2012-2015) NHCSXH tỉnh đã tham mưu cho Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, huyện chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách gắn với phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo giải quyết việc làm tại địa phương trong đó có các xã xây dựng nông thôn mới; ưu tiên phân bổ vốn cho các xã được chọn xây dựng thí điểm nông thôn mới, trọng tâm là nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ nghèo về nhà ở nhằm xóa nhà tạm, cải thiện và bảo vệ môi trường sinh thái tại vùng nông thôn.

Cán bộ ngân hàng thường xuyên thăm hỏi và động viên hộ vay sử dụng vốn hiệu quả 1.360 tỷ đồng vốn ưu đãi cho 117 xã xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Lương Xuân)

Với 117 Điểm giao dịch xã tại 117 xã xây dựng nông thôn mới, thực hiện làm việc theo lịch cố định hàng tháng, đã tạo điều kiện cho khách hàng được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng ngay tại UBND xã, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Tại 117 xã xây dựng nông thôn mới chi nhánh NHCSXH Lâm Đồng triển khai cho vay 12 chương trình tín dụng ưu đãi, với doanh số cho vay trong giai đoạn (2012-2015) là 1.360 tỷ đồng trên 70.718  lượt khách hàng, doanh số thu nợ là 1.031,5 tỷ đồng. Dư nợ đến hết năm 2015 là 1.850 tỷ đồng với 78.552 hộ vay vốn, bình quân dư nợ 1 xã gần 15 tỷ đồng.

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2016, doanh số cho vay tại  117 xã này đạt gần 280 tỷ đồng với 13.300 lượt khách hàng vay cùng với đó doanh số thu nợ đạt 220 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến hết tháng 5/2016 đạt 1.909 tỷ đồng/77.983 hộ vay vốn.

Để “mục sở thị” nguồn vốn ưu đãi đang phát huy hiệu quả, chúng tôi đến xã Tân Hội, huyện Đức Trọng (xã điểm ưu tiên xây dựng nông thôn mới của cả nước), bởi trong 4 năm chi nhánh NHCSXH đã đầu tư cho vay số tiền gần 17 tỷ đồng với 1.037 lượt được vay vốn. Dư nợ hết năm 2015 là 16,3 tỷ đồng/863 hộ vay vốn.

Một trong những điển hình vay vốn là ông Nguyễn Hoàng Nhật, Thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương tâm sự: từ nguồn vốn 30 triệu vay từ chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn năm 2013 cùng với vốn tự có ông đã đầu tư mua 2 bê sữa với giá 60 triệu nuôi hơn năm đến nay đã thu được 10 tấn sữa cho thu nhập 120 triệu đồng. Ông chia sẻ khi vay vốn đã xác định được mô hình sản xuất, cộng với được hỗ trợ đào tạo nghề, áp dụng phương pháp mới trong chăn nuôi bên Trung tâm khuyến nông của xã nên ông đã thành công.

Trong thời gian thực hiện phong trào Nông thôn mới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ giúp đỡ xã nghèo Đạ Knàng, huyện Đam Rông, ngoài việc ưu tiên về vốn tín dụng ưu đãi, trong năm 2013 chi nhánh đã vận động CBCNV đóng góp xây dựng 1 phòng học mẫu giáo trị giá 198 triệu đồng.

Cán đích thành công từ phong trào

Cùng với chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được nâng cao, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại vùng đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi cùng với các chính sách khác, trong gần 4 năm qua đã giúp cho 5.580 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 7.800 lao động; giúp xây dựng 5.300 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn tại vùng nông thôn góp phần cải tạo môi trường sống; tạo điều kiện cho trên 39 nghìn lượt HSSV vay vốn trang trải chi phí học tập; giúp cho 450 lao động đi làm việc ở nước ngoài; các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 9,36% cuối năm 2011 xuống còn 2% đến cuối năm 2015; tỷ lệ hộ cận nghèo từ 6,07% cuối năm 2011 xuống còn 1,7% đến cuối năm 2015 và nâng tỷ lệ hộ dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh lên 81,2%, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh 58,4%; tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh 44%.

Cũng theo báo cáo của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng nguồn vốn tín dụng chính sách được ưu tiên đầu tư cho các xã xây dựng nông thôn mới; hướng đầu tư chuyển sang phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu, cây trồng, vật nuôi có thế mạnh tại địa phương. Các chương trình tín dụng dụng chính sách triển khai thực hiện đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của tỉnh lên 52 triệu đồng/năm và nâng thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích lên 140 triệu đồng/ha.

Hoạt động tín dụng chính sách trong những năm qua của chi nhánh đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đánh giá cao, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia góp phần xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đầu tư cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới trong tỉnh đã góp phần giúp 25 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 18 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, đang hoàn chỉnh hồ sơ trình thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015, có 20 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 39 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 15 xã đạt từ 7 đến 9 tiêu chí; bình quân toàn tỉnh đạt 14,83 tiêu chí/xã và huyện Đơn Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.

Ông Huỳnh Thanh Lân, Giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, hướng đầu tư, biết tính toán lợi ích kinh tế mà đồng vốn mang lại, tiết kiệm trong tiêu dùng, sử dụng vốn có hiệu quả bằng các loại hình sản xuất đa dạng. Cùng tham gia sinh hoạt Tổ, những hộ sản xuất kinh doanh có nhiều kinh nghiệm, quen với sản xuất hàng hóa sẽ giúp đỡ những hộ nghèo phát triển kinh tế, cùng đôn đốc nhau sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả gốc lãi cho ngân hàng, phát huy truyền thống tương thân tương ái trong cộng đồng.

Các chương trình tín dụng ưu đãi đã tác động tích cực đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; làm chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng sản xuất hàng hóa; nâng cao chất lượng môi trường sống; góp phần ổn định chính trị, an ninh và trật tự xã hội. Bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn có sự thay đổi đáng kể. Đời sống của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dần được nâng cao, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng.

Theo ông Huỳnh Thanh Lân trong giai đoạn tới, NHCSXH tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục dành ưu tiên nguồn vốn tín dụng chính sách cho các xã xây dựng nông thôn mới để đến năm 2020 toàn tỉnh có ít nhất 90 xã (tương ứng 77% tổng số xã toàn tỉnh) đạt chuẩn nông thôn mới, có 8/10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và Lâm Đồng đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới.

 

Lương Xuân (KCNB)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN