Nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới
(ĐCSVN) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 2754/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức 3 lớp tập huấn về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống với sự tham gia của các học viên là nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Tày tại Lào Cai và Hà Giang.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, góp phần, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, qua đó, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới. (Ảnh minh họa). |
Qua đó, động viên, khích lệ đồng bào dân tộc Tày tại huyện Bảo Yên, Lào Cai và huyện Quang Bình, Hà Giang tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào trong việc nhân rộng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống.
Theo kế hoạch, từ ngày 15 – 20/11/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Bảo Yên, Lào Cai tổ chức xây dựng mô hình Câu Lạc bộ hát Then dân tộc Tày phục vụ phát triển du lịch gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Qua đó, khảo sát, đánh giá thực trạng văn hóa truyền thống và hát Then dân tộc Tày, đồng thời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hỗ trợ các trang thiết bị, nhạc cụ, đạo cụ để triển khai xây dựng và thực hành sinh hoạt mô hình Câu Lạc bộ hát Then dân tộc Tày phục vụ phát triển du lịch sinh thái trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Bảo Yên, Lào Cai.
Từ ngày 21 – 26/11/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Quang Bình, Hà Giang tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy nghề làm nón lá hai mê dân tộc Tày phục vụ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.
Từ ngày 22 – 27/11/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Quang Bình, Hà Giang tổ chức Bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền thống tiêu biểu dân tộc Tày xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới phục vụ tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về mô hình gắn với phát triển du lịch tại các địa phương.
Thông qua các lớp tập huấn, cán bộ văn hóa xã, các nghệ nhân, người am hiểu văn hóa đồng bào dân tộc Tày tại Lào Cai và Hà Giang có cơ hội được tiếp cận, nắm bắt các kiến thức về công tác quản lý văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình ở cơ sở; đồng thời trang bị kiến thức cơ bản về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Các học viên thu được rất nhiều kiến thức bổ ích trong việc nâng cao ý thức trao truyền – tiếp nhận về kĩ năng cực truyền đạt cho các thế hệ người Tày, đặc biệt là giới trẻ hiểu rằng: trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế với thay đổi hàng ngày do tiến bộ của khoa học kỹ thuật công nghệ mang lại, chúng ta cần giữ gìn, bảo vệ và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trở thành các sản phẩm phục vụ và thu hút du khách tạo điểm nhấn để phát triển du lịch, góp phần tạo nguồn thu bền vững phát triển kinh tế xã hội.
Ban Tổ chức cho biết, việc tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ về trang thiết bị, vật dụng, nguyên liệu phục vụ xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Tày tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai và huyện Quang Bình, Hà Giang, kết hợp triển khai xây dựng mô hình bảo tồn nghề thủ công truyền thống, tổ chức cho các nghệ nhân truyền dạy nghề làm nón lá hai mê dân tộc Tày cho lớp trẻ giữ được những vốn quý của nghề, từ đó động viên, khích lệ mọi người dân tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Từ đó, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi, lành mạnh, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Việc xây dựng các mô hình về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống của từng vùng, miền, dân tộc phải phù hợp với đời sống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương; gắn kết các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số với Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, du lịch. Đặc biệt, cần phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các vùng miền, cộng đồng, dân tộc trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây nhiễm tại địa phương, thời gian triển khai Kế hoạch có thể được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn; đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, cũng như hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền.