Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Nhận quà ảo, mất tiền thật”

Thứ Hai, 29/01/2024 21:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Mặc dù thủ đoạn không mới nhưng các đối tượng vẫn dựng lại với kịch bản tinh vi hơn. Người dân cần tiếp tục đề cao cảnh giác, tránh nhận quà ảo, mất tiền thật.

Vài năm trở lại đây, các chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại và mạng xã hội Facebook đã khiến không ít người “dính bẫy” do sự nhẹ dạ, cả tin và thậm chí là lòng tham của bản thân. Những chiêu trò phổ biến là gọi điện thông báo trúng thưởng, mời chào mua hàng để nhận mã trúng thưởng, gửi tin nhắn qua mạng xã hội thông báo trúng thưởng, đóng thuế trúng thưởng chơi game.

Cụ thể, đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện thoại cho cá nhân để thông báo trúng thưởng, tự xưng là nhân viên của các công ty, siêu thị uy tín như Điện máy xanh, Thế giới di động… hoặc các chương trình đã được Bộ Công Thương cấp phép. Để nhận thưởng, bên kia sẽ yêu cầu đóng vài triệu, thậm chí vài chục triệu tiền cọc, thậm chí còn hứa hẹn khi trả thưởng sẽ hoàn trả số tiền cọc.

Với món lợi hấp dẫn mà các đối tượng đưa ra, dù không hề mua hàng hay gửi phiếu dự thưởng, nhiều người đã mắc bẫy và nhanh chóng chuyển tiền. Ngay sau khi chuyển tiền thành công, các đối tượng lừa đảo sẽ chặn số điện thoại trước đó đã liên lạc.

Mới đây, ngày 06/01/2024, cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã tạm giữ hình sự Nguyễn Lê Hoàng Thủy (SN 1993) ngụ tại thành phố Biên Hòa để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người dân cần tiếp tục đề cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo trúng thưởng trên mạng xã hội

Hồ sơ vụ việc nêu rõ Thủy quen chị N.T.Q.A tại tỉnh Bình Thuận qua trò chơi game điện tử trên mạng xã hội, sau đó nói với chị A. đang làm việc tại cửa hàng Thế giới di động tại thành phố Hồ Chí Minh và bảo chị A. nếu muốn mua điện thoại di động giá rẻ thì Thủy sẽ hỗ trợ.

Bằng những lời thuyết phục “có cánh”, đợt 1, chị A. đã chuyển cho Thủy số tiền hơn 44 triệu đồng để mua 3 chiếc điện thoại di động. Do nợ nần nhiều nên sau khi nhận được số tiền chuyển khoản từ chị A, Thủy đã rút tiền và trả nợ nhưng điện thoại thì vẫn hứa “lèo” với lý do hàng chưa về kịp. Chưa dừng lại ở đó, Thủy tiếp tục dùng chiêu thức nói dối với chị A. là Thủy thuộc nhân viên may mắn trúng thưởng khi mua máy cho chị A. với trị giá giải thưởng hàng tỷ đồng.

Để chị A. tin tưởng, Thủy đã chỉnh sửa số dư tài khoản sau khi chụp hình để chứng minh cho A. thấy mình đã nhận được tiền trao thưởng và yêu cầu chị A. đóng thuế 10% giá trị. Nghe lời Thủy, chị A. tiếp tục chuyển khoản nhiều lần cho Thủy với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng. Mãi không nhận được tiền, chị A. nghi ngờ bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền Thông) khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ, tìm hiểu kỹ về đối tượng gọi đến, yêu cầu họ cung cấp đầy đủ thông tin về họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại (nếu bên tặng thưởng là cá nhân); tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh (nếu bên tặng thưởng là doanh nghiệp) để tìm hiểu, tra cứu xác minh đối tượng từ nhiều nguồn khác nhau.

Đồng thời, liên hệ với các cơ quan như Sở Công Thương, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời về chương trình khuyến mãi, trao thưởng mà bên kia cung cấp bởi các chương trình khuyến mại, trao thưởng lớn đều phải được đăng ký và cấp phép.

“Nếu không đăng ký tham gia các chương trình quay thưởng/bốc thăm trúng thưởng mà lại nhận được thông báo trúng thưởng thì khả năng cao là lừa đảo bởi không có việc doanh nghiệp tự lựa chọn khách hàng rồi quay thưởng và trao thưởng khi không có thông báo trước”, Cục An toàn thông nhấn mạnh.

Ngoài ra, chúng ta không biết chính xác bên lừa đảo là ai, địa chỉ ở đâu nên khi phát hiện mình bị lừa sẽ không thể tự lấy lại tiền. Nếu là nạn nhân, việc cần làm ngay là thu thập thông tin đã trao đổi như tin nhắn điện thoại, ghi âm cuộc gọi, thông tin số điện thoại, tài khoản Facebook, sao kê chuyển khoản…, sau đó khẩn trương trình báo tới cơ quan công an xã, phường nơi cư trú.

Các nạn nhân nên chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan công an nhằm giúp lực lượng chức năng cập nhật tình hình, nắm vững thủ đoạn, nhất là các yếu tố tâm lý, từ đó tổng hợp thành tập tài liệu tuyên truyền phổ biến rộng rãi tới cộng đồng xã hội, mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN