Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh

Thứ Ba, 26/09/2023 18:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hội thảo khoa học "Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững" bàn những vấn đề hết sức quan trọng và mang tính cấp thiết nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Ngày 26/9, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử, Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học "Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững".

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh: Hiện nay, nguồn lực văn hóa đang được nhận diện với các ngành công nghiệp văn hóa. Trong số 13 ngành công nghiệp văn hóa, tiềm năng, lợi thế của Quảng Ninh hiện diện ở nhiều ngành và đặc biệt hiện diện nổi bật ở ngành du lịch văn hóa. Đây được xác định là nguồn lực quan trọng vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần cho nhân dân trong tỉnh và khách du lịch trong cũng như ngoài nước khi đến với Quảng Ninh, là “con đường” ngắn nhất quảng bá hình ảnh Quảng Ninh với nhân dân cả nước và hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.

 Các đại biểu tham dự hội thảo.

Quảng Ninh là tỉnh có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, con người Quảng Ninh cũng thể hiện những đặc trưng chung, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, kết hợp với bản sắc rất riêng của vùng đất được coi là “cái nôi” của giai cấp công nhân Việt Nam, truyền thống công nhân Vùng mỏ, “Kỷ luật và Đồng tâm” đã được hình thành, vun bồi thành một di sản tinh thần của công nhân vùng mỏ, trở thành một đặc trưng của con người Vùng mỏ. Trải qua quá trình phát triển, các đặc trưng “Năng động – Sáng tạo – Hào sảng – Lành mạnh – Văn minh – Thân thiện” đã được nhận diện là những đặc trưng của con người Quảng Ninh.

Tuy nhiên, xu thế vận động và phát triển tiếp tục đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi Quảng Ninh không chỉ tiếp cận những nhận thức mới về phát triển bền vững, nhận diện mới về các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh hiện tại đồng thời đặt trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn, mà còn phải có giải pháp thực tế, hiệu quả để chuyển hóa các giá trị này thực sự trở thành nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển là tất yếu.

Đồng chí Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh: Hội thảo khoa học lần này là dịp để trao đổi, thảo luận sâu về chủ đề trên, từ đó góp phần làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn để Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.

PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản phát biểu đề dẫn hội thảo. 

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là tổng thể những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương, tổng hòa trên tất cả các mặt, lĩnh vực, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, từ kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất, có tính bao trùm, được đa số cộng đồng công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ bằng ý thức tự giác.

Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là sợi dây nối quá khứ, hiện tại và tương lai, vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính đương đại, phản ánh hơi thở của thời đại, trở thành mục tiêu, động lực, phương châm chỉ đạo, “hệ đường ray” để quy tụ lòng người, đoàn kết xã hội, xác định, gắn kết các định hướng lớn cho xây dựng, phát triển bền vững địa phương ở hiện tại và tương lai.

Các giá trị “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc” là hệ giá trị hợp trội được định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia - dân tộc và nhân loại, tổng hợp hóa và nâng tầm các giá trị riêng lẻ của văn hóa, con người Quảng Ninh, làm thành bản sắc, cốt cách riêng có, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương. Đồng thời, giữa các thành tố của hệ giá trị Quảng Ninh có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, tương hỗ, bao quát khá toàn diện trên các lĩnh vực: điều kiện tự nhiên - văn hóa - xã hội - chính trị - kinh tế - con người, trong đó “thiên nhiên tươi đẹp” là điều kiện; “văn hóa đặc sắc” là nền tảng; “xã hội văn minh” là chuẩn mực; “hành chính minh bạch” là môi trường; “kinh tế phát triển” là phương tiện và “nhân dân hạnh phúc” là mục tiêu cuối cùng hướng đến. Đây cũng là nội hàm cốt lõi trong mục tiêu quản trị phát triển bền vững địa phương với mô hình phát triển bền vững dựa trên việc tìm kiếm sự cân bằng giữa ba yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường, gắn với nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó trước các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng cực đoan hơn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tin tưởng hội thảo sẽ bổ sung cho Quảng Ninh những tầm nhìn mới, góc nhìn mới, hiểu biết mới về giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh để tiếp tục chuyển hóa thành mục tiêu, tầm nhìn dài hạn mang tính động lực phát huy sức mạnh tổng hợp gắn với các chiến lược hành động cụ thể để đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

 Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tỉnh Quảng Ninh là một vùng đất được ví như hình ảnh của đất nước Việt Nam thu nhỏ, là nơi hội tụ, giao thoa, kết tinh các giá trị tiêu biểu của nền văn minh sông Hồng, giàu bản sắc với sức mạnh đặc trưng của con người Quảng Ninh hội tụ bốn phương. Bản sắc văn hóa và giá trị con người Quảng Ninh chính là tài sản vô giá, là động lực quan trọng để phát triển Quảng Ninh ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Để khơi nguồn lực cho quá trình phát triển, việc nhận diện để xác định phương hướng, giải pháp phát huy bản sắc văn hóa và sức mạnh con người Quảng Ninh là một trong những vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hiện nay.

Quán triệt sâu sắc và toàn diện quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước hiện nay, nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) và Nghị quyết số 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) về văn hóa, ngày 9/3/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Từ đó, tập trung nhiều nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung thực hiện hiệu quả, thành công khâu đột phá này. Nghị quyết này đã đề ra mục tiêu xây dựng, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với các trọng tâm, trọng điểm và lộ trình cụ thể.

Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của bản sắc văn hóa Quảng Ninh trong xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh phồn vinh, hạnh phúc, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Trước hết, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, các chương trình, dự án đề ra về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của tỉnh để nâng cao hơn nữa chất lượng của các hoạt động văn hóa, khẳng định mạnh mẽ vai trò, vị thế của văn hóa Quảng Ninh - vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng thể về nguồn lực văn hóa tạo nên bản sắc văn hóa của Quảng Ninh.

Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần tập trung vào phát triển mạnh mẽ hơn các ngành công nghiệp văn hóa; kết nối phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở địa phương với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Trung ương và các tỉnh bạn trên phạm vi cả nước. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Quảng Ninh, giới thiệu bản sắc văn hóa của Quảng Ninh đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Cùng với đó, điều tiết sự phát triển văn hóa thông qua đòn bẩy kinh tế; tập trung đào tạo, bồi dưỡng bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật…

Theo GS.TS Nguyễn Chí Bền, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vị thế địa - chính trị, địa văn hóa của tỉnh Quảng Ninh, khiến Quảng Ninh là một tiểu vùng văn hóa mở, các thời kỳ lịch sử luôn có hội nhập quốc tế.

Để phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tỉnh Quảng Ninh cần tổ chức một hoạt động nghiên cứu tổng thể về văn hóa dân gian tỉnh Quảng Ninh, mà đầu ra là một bộ Tổng tập văn hóa dân gian Quảng Ninh. Mặt khác, tỉnh cần công bố kết quả nghiên cứu thành một chuyên luận/chuyên khảo ở trong nước và nước ngoài về văn hóa dân gian Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, gắn kết quảng bá văn hóa dân gian với phát triển du lịch, xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch giới thiệu văn hóa dân gian của tỉnh Quảng Ninh cho du khách; đồng thời, tổ chức cho các nhà khoa học, quản lý văn hóa dân gian và các nghệ nhân ở Quảng Ninh đi trao đổi, trình diễn ở nước ngoài và mời các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa dân gian, các nghệ nhân nước ngoài vào trình diễn, giới thiệu văn hóa dân gian của các quốc gia, các tộc người trên thế giới tại Quảng Ninh. Có thể suy tính một hội thảo khoa học quốc tế về văn hóa dân gian trong hội nhập quốc tế ở thời đại hiện nay vào thời điểm sắp tới.

Quảng Ninh cũng cần xây dựng và thực hiện các chính sách hướng tới tạo mọi điều kiện cho các nghệ nhân dân gian có thể truyền dạy di sản văn hóa mà họ nắm giữ cho thế hệ kế tiếp, tránh sự đứt quãng trong việc trao truyền di sản văn hóa dân gian giữa các thế hệ. Cùng với đó, đưa các loại hình, thể loại văn hóa dân gian vào nhà trường các cấp sao cho hợp lý, không trở thành gánh nặng cho giáo viên và học sinh ở các nhà trường.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nỗ lực trong việc gìn giữ giá trị truyền thống, làm giàu thêm bản sắc văn hóa phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, trong đó có việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 09/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, con người nhìn chung đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Phát triển văn hoá ngày càng gắn bó hơn với nhiệm vụ xây dựng con người, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng góp phần tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Với quy mô cấp quốc gia, hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của 250 đại biểu, với 80 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành...

Các tham luận đã kiến giải sâu sắc, nhiều chiều nội dung của hội thảo. Kết quả của Hội thảo góp phần cung cấp những kinh nghiệm quý, cách làm sáng tạo trong khơi dậy và phát huy các giá trị văn hoá, con người tạo động lực phát triển nhanh và bền vững cho các địa phương trong cả nước; đồng thời bổ sung những căn cứ khoa học, lý luận và thực tiễn trong quá trình nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện Đề án và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triên văn hóa, con người Quảng Ninh đển năm 2025, tầm nhìn đên năm 2030”.

Thùy Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN