Nhà báo và công cụ tác nghiệp!
(ĐCSVN) – Bộ Công an vừa công khai dự thảo “Nghị định Quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị” để lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ ban hành. Mục đích xây dựng Nghị định này nhằm hướng dẫn danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Phóng viên, báo chí tác nghiệp tại hiện trường. (Ảnh: NLD)
Theo dự thảo Nghị định, kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gồm: sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, cho thuê, sửa chữa thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng cấp.
Dự thảo Nghị định cũng đề xuất 3 nhóm đối tượng được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gồm: Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an; cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng phục vụ cho lực lượng Quân đội nhân dân; cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được Bộ Công an có văn bản chấp thuận.
Có lẽ sẽ không có nhiều góp ý, phản biện, nếu dự thảo Nghị định chỉ hướng đến quy định các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh, không đề xuất thêm quy định hạn chế sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình với nhiều đối tượng.
Minh chứng cho vấn đề này là việc dự thảo Nghị định đề xuất: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”. Nếu đề xuất này được thông qua, sẽ khó đảm bảo tính khả thi, nhất là với lực lượng phóng viên, nhà báo.
Ai cũng biết, với phóng viên, nhà báo, thiết bị ghi âm, ghi hình là “vật bất ly thân” khi tác nghiệp. Với thể loại phóng sự điều tra, khi phải “nhập vai” thì thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình có thể là những công cụ không thể thiếu để tác nghiệp. Thực tế, nhiều vụ việc tiêu cực được phản ánh, phanh phui cũng là nhờ vào việc ghi âm, ghi hình qua những thiết bị như vậy…
Thực tế hiện nay, cũng có rất nhiều người dân dùng điện thoại thông minh cài đặt sẵn tính năng ghi âm, ghi hình, đặt các thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình tại nhà để chống trộm; cài đặt phần mềm ngụy trang định vị trong điện thoại của chính mình để đề phòng nếu bị mất, cướp giật có thể lần theo phần mềm định vị để tìm lại…
Chính vì vậy, thiết nghĩ, nếu quy định như trên thì rất khó khả thi. Nên chăng, chỉ quy định về nguyên tắc sử dụng các thiết bị, phần mềm này. Nguyên tắc sử dụng ở đây là phải sử dụng hợp pháp, chính đáng; không được lợi dụng các thiết bị, phần mềm này để xâm phạm bí mật đời tư, quyền riêng tư, bí mật của cá nhân, tổ chức khác; không được gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội và an ninh - quốc phòng…
Dự thảo Nghị định đang trong quá trình lấy ý kiến. Việc có những ý kiến khác nhau là điều tất yếu. Vấn đề là các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét, lắng nghe nhiều chiều, tiếp thu những ý kiến hợp lý để khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sẽ không tạo ra khoảng trống, mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và đúng quy định của pháp luật./.