Nguy cơ từ việc không tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch
(ĐCSVN) – TP Hà Nội được đánh giá vẫn là vùng có nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào. Sự việc tập trung đông người vào đêm Trung thu (ngày 21/9) đã và đang khiến nhiều người quan tâm cảm thấy lo lắng cho việc bảo vệ thành quả chống dịch của Thủ đô.
Chị Nguyễn Lan Hương. |
Phản ánh thông tin liên quan đến hình ảnh hàng nghìn người nối đuôi nhau “rồng rắn” trên các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội đêm Trung thu - thời điểm mà TP Hà Nội vừa mới kết thúc 60 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 để bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, bạn đọc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam không khỏi ngỡ ngàng, bức xúc. Đa số ý kiến cho rằng, việc người dân đổ ra đường đông như vậy là không thực hiện đúng các quy định về phòn,g chống dịch; thể hiện sự chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Điều đáng trách hơn nữa là xuất hiện hình ảnh rất nhiều phụ huynh đã đưa cả trẻ em đi cùng. Vì việc này, thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố, trong đó có đóng góp quyết định của nhân dân thủ đô có thể phải đối diện với thách thức rất lớn trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên về sự việc này, chị Nguyễn Lan Hương (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) chia sẻ: Thời gian qua, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã khiến cả xã hội thực sự lo lắng, mệt mỏi. Rất nhiều công sức mà toàn xã hội đã bỏ ra, tất cả chỉ mong muốn kìm chế và sớm đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều người thiếu ý thức hoặc không nhận thức được rằng, công tác chống dịch chỉ đem lại kết quả thực chất khi tất cả chúng ta cùng đồng lòng và tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Đừng để thành quả bước đầu đạt được và công sức của chúng ta uổng phí vì sự chủ quan. Khi đó, cái giá phải trả sẽ rất “đắt”.
Anh Lê Văn Dũng. |
Trong khi đó, anh Lê Văn Dũng, địa chỉ tại TX Sơn Tây, TP Hà Nội cho biết: “Qua theo dõi thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, đặc biệt là thông tin từ Sở Y tế cho thấy, tính đến hết ngày 20/9, toàn TP Hà Nội đã tiêm được 5,5 triệu mũi vắc xin phòng COVID-19 (trong đó có 5 triệu mũi 1 và 500.350 mũi 2), số người được tiêm bằng 0,3% dân số và bằng 83,09% người dân trong độ tuổi tiêm chủng trên 18 tuổi. Hiện TP Hà Nội đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 được 94,2% mũi 1 với người trên 18 tuổi, nhưng thành phố vẫn chưa thể về trạng thái “bình thường mới” vì mũi tiêm thứ 2 mới đạt tỷ lệ 12%. Trong khi đó, Bộ Y tế quy định, muốn trở về “bình thường mới”, phải trên 70% mũi 1 và trên 20% mũi 2. Do đó, có thể nhận định, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn. Việc người dân đổ xô ra đường không thuộc đối tượng quy định là vi phạm pháp luật, cần phải lên án. Những người thiếu ý thức này cần nhìn nhận lại hành động chưa chuẩn mực của mình để thay đổi, không nên vì sự ích kỷ cá nhân mà ảnh hưởng tới bao công sức của cả cộng đồng xã hội đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua”.
Bác Trần Thị Phương. |
Nói về việc UBND TP Hà Nội ban hành văn bản cho phép nới lỏng các biện pháp trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, bác Trần Thị Phương, địa chỉ tại huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội đánh giá và cho rằng, việc TP Hà Nội ban hành văn bản này là kịp thời, phù hợp. “Tuy nhiên, dù Chỉ thị 15 yêu cầu người dân không ra đường khi không có việc cần thiết, không được phép tụ tập trên 20 người nơi công cộng, song rất nhiều người dân vẫn đi chơi, đặc biệt là khi được chứng kiến hình ảnh đường phố chen cứng xe máy, ô tô đêm Trung thu, bản thân tôi cùng người thân, gia đình thực sự cảm thấy thất vọng với ý thức của một số người. Việc tụ tập đông người, nhất là trong đó có rất nhiều trẻ em, trong khi trẻ em chưa tiêm vắc xin có thể tạo nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao. Đề nghị cơ quan chức năng, qua vụ việc này cần có phương pháp, giải pháp quyết liệt hơn nữa để răn đe, cảnh tỉnh những đối tượng cố tình vi phạm. Có như vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh mới có hiệu quả”. – bác Trần Thị Phương nêu quan điểm./.