Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguy cơ tiềm ẩn từ xe cứu thương không phép

Thứ Ba, 09/05/2023 09:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Không chỉ phải trả giá dịch vụ đắt gấp nhiều lần, người sử dụng dịch vụ xe cứu thương không phép còn đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng. Do vậy, nhiều người dân bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh dịch vụ vận chuyển, cấp cứu người bệnh không được cấp phép.

Cách đây chưa lâu, do con nhỏ có biểu hiện khó thở nên anh Trần Văn Thành ở phường 9, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh đã lên mạng xã hội tìm số điện thoại và gọi một xe cứu thương để chở con đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh). Chi phí cho việc thuê xe cứu thương là 3 triệu đồng cho quãng đường chưa đầy 3,5 km. Khi vào viện, mọi người mới phát hiện đây là xe cứu thương không phép.

Tương tự, chị Lê Tú Anh cũng đã phải thanh toán số tiền gần 4 triệu đồng cho quãng đường 3,7 km để xe cứu thương chở người nhà từ phường 5, quận 6 đến Bệnh viện (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh). Chị Tú Anh bức xúc: “Cha tôi có tiền sử suy hô hấp. Khi thấy cha có dấu hiệu bất thường, tôi vội vàng xin số xe cứu thương từ một người bạn nhưng không nghĩ đó là xe cứu thương không phép. Giá tiền họ thu quá cao so với mức giá chung”.

Anh Thành và chị Tú Anh chỉ là hai trong số rất nhiều người vô tình sử dụng dịch vụ của các xe cứu thương không được cấp phép. Điểm chung của các xe này là thực hiện hoạt động vận chuyển người bệnh, bệnh nhân nhưng không được cơ quan chức năng cấp phép. Đồng thời, những cơ sở kinh doanh các xe cứu thương này thường lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân khi người thân có vấn đề về sức khỏe hoặc cần đưa đi cấp cứu gấp để “chặt chém” với giá dịch vụ rất cao.

 Người dân nên tìm hiểu và lựa chọn những xe cứu thương đã được cấp phép hoạt động. Ảnh: Trần Ngọc.

Mặt khác, các chuyên gia cũng cảnh báo, bệnh nhân sử dụng xe cấp cứu không phép dễ phải đối diện với các nguy cơ mất an toàn bởi tình trạng chung của các xe này là không có nhân viên y tế đi theo. Do vậy, nếu bệnh nhân đang trong tình trạng cần cấp cứu gấp hoặc có khả năng trở nặng trên đường vận chuyển thì sẽ khó có thể được xử lý kịp thời. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc một số bệnh nhân khi được đưa đến bệnh viện, cơ sở y tế thì đã có những chuyển biến theo chiều hướng quá nặng.

Cùng với đó, người bệnh sử dụng xe cứu thương không phép còn có nguy cơ mất an toàn giao thông do nhiều lái xe chạy nhanh, chạy ẩu để kịp nhận bệnh nhân mới.

Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhìn nhận, dịch vụ vận chuyển, cấp cứu người bệnh là một loại hình dịch vụ y tế. Đây là kinh doanh dịch vụ đặc biệt. Điều 22, Nghị định 155/2018/NĐ-CP nêu rõ, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển, cấp cứu người bệnh phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và về nhân sự. Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận chuyển, cấp cứu người bệnh không được cấp phép, không bảo đảm các quy định sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ trực tiếp đe dọa sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Vì vậy, những trường hợp này cần phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Được biết, trước tình trạng xuất hiện nhiều cá nhân kinh doanh dịch vụ xe cứu thương và vận chuyển người bệnh không phép, gây hiểu nhầm cho người dân, không đảm bảo an toàn khi vận chuyển người bệnh, mới đây, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch kiểm tra hoạt động dịch vụ nói trên. Theo Bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích kiểm tra nhằm không để xảy ra tình trạng cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh không phép nhưng lại quảng cáo và thực hiện các dịch vụ không đúng quy định trên địa bàn Thành phố.

Chị Hoàng Thu Hạnh ở Thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi rất ủng hộ chủ trương kiểm tra, xử lý các xe cứu thương không phép. Xử lý nghiêm các trường hợp này vừa bảo đảm quyền lợi, sức khỏe của người bệnh, vừa bảo vệ các đơn vị hoạt động đúng quy định, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho các đơn vị tham gia kinh doanh dịch vụ vận chuyển, cấp cứu người bệnh”.

Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy ngoài các bệnh viện và phòng khám đa khoa được phép sử dụng xe cứu thương, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt, tới thời điểm hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 9 cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động. Các cơ sở này bao gồm: Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt (quận 8), Chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ vận chuyển 299 (huyện Củ Chi), Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Cường Phúc Thọ (quận 3), Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nam Vĩnh Xuân (quận 4), Công ty TNHH 115 Sài Gòn (quận 10), Công ty TNHH 115 Toàn quốc (quận 8), Công ty TNHH Phòng khám Gia đình TP.HCM (quận 1) và địa điểm kinh doanh Công ty TNHH 115 Xuyên Á (quận Tân Bình).

Trước tình trạng xuất hiện nhiều cá nhân kinh doanh dịch vụ xe cứu thương và vận chuyển người bệnh không phép, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, thiết nghĩ để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của bản thân và người bệnh, mỗi người dân cần cẩn trọng, cảnh giác khi sử dụng dịch vụ xe cứu thương vận chuyển bệnh nhân. Các gia đình, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ, người già, người có tiền sử bệnh hô hấp, bệnh tim mạch,… cần chủ động tìm hiểu, có số điện thoại để liên lạc trực tiếp với các cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động; tránh liên lạc qua mạng xã hội để không trở thành nạn nhân của các cơ sở kinh doanh dịch vụ xe cứu thương không phép. Trường hợp vô tình sử dụng dịch vụ xe cứu thương không phép thì cần chủ động báo với cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương để được giải quyết, xử lý kịp thời./.

Nguyễn Thị Phượng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN