Người tiêu dùng có được lợi khi doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu?
(ĐCSVN) - Doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu có tạo ra được môi trường cạnh tranh thật sự không? Ai sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường này?
Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 đang xúc tiến tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam.
(Ảnh: dantri.com)
Trang web của Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật Bản) ngày 18/4 đưa tin, tập đoàn này sẽ góp 50% vốn vào Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8, để cùng với Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) thiết lập hệ thống trạm bán xăng dầu lẻ tại Việt Nam. Giấy phép chứng nhận đăng ký đầu tư đã được Chính phủ cấp, trong khi việc tiến hành các thủ tục đăng ký doanh nghiệp đang được xúc tiến.
Nếu hoàn tất, đây sẽ là lần đầu tiên một công ty nước ngoài chính thức đặt chân vào thị trường kinh doanh xăng dầu, hiện có 24 doanh nghiệp đầu mối nội địa cung ứng, trong đó có một nửa thị phần thuộc về doanh nghiệp lớn nhất là Petrolimex (48%).
Chia sẻ quan điểm về thông tin trên, ông Trần Văn Kiều - Giám đốc Công ty cơ khí Tân Thiên Phú cho rằng, đây là một dấu hiệu đáng mừng. Người tiêu dùng sẽ có thêm cơ hội lựa chọn, thêm yếu tố cạnh tranh về chất lượng xăng dầu, chất lượng phục vụ.
Ông Trần Văn Kiều, Giám đốc Công ty cơ khí Tân Thiên Phú. (Ảnh BA)
Theo ông Kiều, với cơ chế quản lí giá như hiện nay, xăng dầu bán cho người dân tiêu dùng vẫn đang là hàng đồng giá (tất cả các nhà bán lẻ xăng dầu đều bán theo một giá). Vì vậy, cần tiến tới việc cho phép doanh nghiệp nước ngoài tham gia bán lẻ xăng dầu, các cửa hàng xăng dầu có thể bán giá khác nhau nhưng vẫn đảm bảo trong khung của Nhà nước. Như vậy vừa phát huy tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, vừa đảm bảo vai trò quản lí của nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Khuyến - một chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xe ô tô du lịch cho biết: Nếu mở cửa thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia, sẽ hiện đại hóa được dịch vụ kinh doanh xăng dầu, không còn cảnh người dân mất tiền mua xăng mà phải xếp hàng chờ chực như hiện nay. Còn nhớ trước đây, khi thị trường viễn thông độc quyền, muốn lắp điện thoại cố định rất khó khăn, nhiều người phải cậy nhờ, phải qua nhiều thủ tục. Với mạng di động cũng tương tự. Hiện tại cuộc đua về giá vẫn chưa đến hồi kết, nhưng rõ ràng là người tiêu dùng được lợi khi các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và
Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam. (Ảnh: BA)
Chia sẻ với chúng tôi về những ý kiến trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nhận định, nếu doanh nghiệp nước ngoài tham gia bán lẻ xăng dầu, sẽ thêm yếu tố cạnh tranh và người tiêu dùng có cơ hội được lợi từ yếu tố cạnh tranh này.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, khi trao đổi với phóng viên cũng khẳng định: Khi doanh nghiệp nước ngoài tham gia, sẽ tăng tính cạnh tranh về chất lượng xăng dầu, chất lượng phục vụ và người tiêu dùng sẽ có lợi. Nhà nước cũng sẽ có thêm nguồn thu từ thuế. Tuy nhiên doanh nghiệp xăng dầu trong nước có thể sẽ phải cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, doanh nghiệp Nhật Bản nói trên tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam là hợp lệ. Mặc dù Việt Nam vẫn giữ lại quyền kinh doanh xăng dầu Khi ký Hiệp định thương mại tự do WTO năm 2006, nhưng cả 2 đối tác trong liên doanh Dầu khí Idemitsu Q8 đều đã là cổ đông tại Tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cùng với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (mỗi bên nắm 35% vốn) và đã được Chính phủ Việt Nam cấp chứng nhận đăng ký đầu tư.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để vận hành thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh, Nhà nước cần sớm cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Khi có nhiều đầu mối nhập khẩu, lượng hàng hóa sẽ ổn định hơn, với những tính toán mang tính cạnh tranh của doanh nghiệp, giá nhập khẩu xăng dầu sẽ gần với giá thế giới hơn, khi đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ thị phần chi phối quá lâu như hiện nay là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những lùm xùm khó kiểm soát như thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường chỉ là công cụ còn mục tiêu hướng tới vẫn là tạo ra môi trường cạnh tranh. Minh chứng cho điều này, một số chuyên gia dẫn giải: Việt Nam đang có hàng chục đầu mối nhập khẩu xăng dầu nhưng thị trường vẫn không có tính cạnh tranh thật sự. Các đầu mối kinh doanh xăng dầu vẫn đang hoạt động theo một “liên kết” khá chặt chẽ, khi tăng giá thì cùng tăng ở một mức giá và giảm thì cùng giảm./.