Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người tham nhũng nên từ chức, đừng bao giờ làm việc trong nhà nước nữa!

Thứ Hai, 06/11/2017 11:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – “Với những người tham nhũng, tốt nhất nên từ chức, đừng bao giờ làm việc trong nhà nước. Anh còn mặt mũi nào ở trong nhà nước, chứng tỏ anh còn tham nhũng về chức quyền” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhấn mạnh.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trao đổi với báo chí chiều 3/11 (Ảnh: KT)

Bên hành lang Quốc hội chiều ngày 3/11, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Phóng viên (PV): Thưa ông, nhiều báo cáo đều nhận định tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện, xử lý nhưng kết quả thu hồi tài sản tham nhũng lại thấp. Từ thực tiễn, ông có đồng tình với nhận định này không?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho rằng, ý kiến này rất xác đáng, đáng lưu tâm và đã được Ban Nội chính nghiên cứu bằng một đề tài khoa học rất quan trọng. Có thể nói đây là một bất cập vô cùng lớn trong phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Đây là việc xử lý kết quả hậu sau khi mình đã có phát hiện. Chúng ta chưa thực sự kiên quyết làm đến tận cùng...việc thu hồi lại tài sản tham nhũng... 

PV: Thưa ông, nguyên nhân nào mà kết quả thu hồi tài sản tham nhũng lại thấp?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Ở đây có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về pháp luật và về tổ chức thực hiện.

Lỗ hổng đầu tiên là về pháp luật, chúng ta không định nghĩa được đầy đủ, không gạch đầu dòng được loại tài sản nào là tham nhũng. Tôi ví dụ như chúng ta chưa có quy định là tính từ ngày, tháng, năm này đối với những tài sản mà nằm ngoài khoản thu nhập hợp pháp không giải trình được đối với một người có chức vụ mà có khả năng tham nhũng thì sẽ bị coi là tài sản tham nhũng, bị thu hồi, xử lý.

Chúng ta cũng chưa quy định về việc tẩu tán tài sản dưới bất kỳ hình thức nào, cả hình thức thủ tục hợp pháp như tài sản cho, tặng… mà không giải trình được vẫn bị thu hồi. Tôi ví dụ, con làm ở ngành gì, có trúng Vietlot không mà mua được tài sản của cha mẹ, hay cụ già cả cuộc đời làm gì mà đến 90 tuổi mua được nhà mấy chục tỉ.

Như vậy, tôi cho rằng có vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật của chúng ta chưa chặt chẽ. Chất lượng làm luật là có vấn đề. Đây không phải là cố tình mà do trước đây ta chưa dự liệu được hết tình huống.

Thứ hai, về tổ chức thực hiện thì có quy định về khai báo liên quan đến chức vụ. Nhưng như tôi đã phát biểu nhiều lần là có khai báo nhưng lại không xác minh, cũng không làm rõ, đặc biệt không kết luận là loại tài sản khai báo này là không thuộc tài sản tham nhũng, hay khai báo có trung thực hay không? Tôi khai báo là tôi có 2 cái nhà nhưng thực ra chỉ có 1, xác minh 1 cái không phải nhà của tôi. Thì ở đây là khai khống để chuẩn bị cho một lộ trình tham nhũng thì sao? Hiện nay, chúng ta không làm được việc này.

Thứ ba, khi một vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện, thì các cơ quan pháp luật vào cuộc nhưng họ đã không truy đến tận cùng tài sản mà người dân và báo chí, hoặc các tổ chức xã hội phát giác.

Tóm lại, chúng ta đã không làm hết trách nhiệm, không làm đầy đủ mà làm nửa chừng, nửa vời, gọi là đánh rắn giữa khúc. Trường hợp này dẫn đến điểm là ta không thể thu hồi được.

Như vậy là thiếu cả cơ sở pháp lý và thiếu cả cơ sở thực tiễn để thu hồi. Cho nên chúng ta chỉ có một bản giấy và cùng lắm là xử lý được theo pháp luật, nặng thì tử hình, nhẹ hơn thì chung thân, không thì tù có thời hạn, hoặc là rút kinh nghiệm cho hòa cả làng.

PV: Người dân bày tỏ không hài lòng khi nhiều trường hợp bị kết luận là vi phạm kê khai tài sản, thu nhập buộc phải thuyên chuyển công tác nhưng vị trí thuyên chuyển vẫn rất cao, vẫn có cơ hội tham nhũng? Quan điểm của ông thế nào?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Thực sự tôi cũng rất chia sẻ với người dân. Quan điểm, ý kiến của người dân là điều đáng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kể cả các cơ quan lãnh đạo Đảng quan tâm, xem xét.

Còn việc nói vị trí thuyên chuyển cao hay quan trọng hơn thì phải đặt trên những tiêu chí, phải so sánh trên nền một hệ quy chiếu.

Tuy nhiên, theo tôi, cán bộ mà đã vướng vào những vấn đề do tham nhũng thì trước hết phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Thứ hai, nếu còn tiếp tục sử dụng được thì không sử dụng vào những vị trí có khả năng tham nhũng. Chúng ta phải có nguyên tắc, nguyên tắc cần ghi trịnh trọng trong luật.

Theo tôi, với những người tham nhũng, tốt nhất nên từ chức, đừng bao giờ làm việc trong nhà nước. Anh còn mặt mũi ở trong nhà nước, chứng tỏ anh còn tham nhũng về chức quyền./.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Kim Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN