Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người nông dân “bắt” ổi ra trái cả 4 mùa

Thứ Sáu, 14/10/2016 18:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - “Triệu phú đất bãi”, “Vua ổi Đài Loan”… đó là cách gọi vui mà người dân ở thôn Thung Linh, xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ dành cho anh Nguyễn Văn Thắng, một gương mặt thanh niên tiêu biểu trong phong trào “Tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp” của huyện Yên Mỹ (Hưng Yên).

Anh Nguyễn Văn Thắng giới thiệu về vườn ổi Đài Loan của gia đình. Ảnh: PA

Đi lên từ tư duy dám nghĩ, dám làm


Sinh ra và lớn lên ở miền quê thuần nông, ngay từ nhỏ, anh Nguyễn Văn Thắng đã sớm ấp ủ ước mơ làm giàu ngay trên chính quê hương mình. Với tư duy dám nghĩ, dám làm và quyết tâm vươn lên từ nông nghiệp, anh Thắng quyết định sẽ thử nghiệm với những loại cây trồng mới. Năm 2006, sau khi thuyết phục bố mẹ, anh mạnh dạn đầu tư cải tạo hơn 1 ha đất vườn và đất canh tác của gia đình để khởi nghiệp với cây quất cảnh. Song, do chưa nắm chắc kỹ thuật chăm sóc lại gặp khó khăn trong giải quyết đầu ra nên sau gần 3 năm trồng quất cảnh, anh Thắng đã phải bán cả cây giống để trả nợ.

"Vạn sự khởi đầu nan" không nản lòng trước thất bại, ngọn lửa làm giàu vẫn luôn cháy sáng trong suy nghĩ của người nông dân giàu nghị lực. Anh lại dày công tìm hiểu khắp nơi trong vùng và các tỉnh lân cận với quyết tâm học cách phát triển kinh tế. Tình cờ, trong một lần cùng bạn đến tham quan mô hình vườn cây ăn quả của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, anh Thắng đã “bén duyên” cùng giống cây mới, đó chính là cây ổi Đài Loan.

Nhớ lại ngày đó, Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Khó khăn lắm! Mình vừa thất bại, bao nhiêu vốn liếng dành dụm được gần như đã theo cây quất cảnh ra đi hết cả, nhưng may mắn là vẫn còn đất vườn và nhất là mọi người trong gia đình tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Mình đã phải “cam kết” với gia đình đây là cơ hội cuối cùng, còn sau kết quả thế nào thì do gia đình quyết định”.

Tâm đắc với loại cây trồng mới, nhưng rút kinh nghiệm thất bại lần trước, việc đầu tiên Nguyễn Văn Thắng làm, đó là dành hơn 2 tháng để tìm hiểu thật kỹ về các đặc tính của cây ổi Đài Loan từ đặc điểm sinh trưởng, khả năng kháng bệnh, chu kỳ ra trái… Sau đó, anh trồng thử nghiệm hơn 30 gốc ổi đầu tiên trên diện tích 1 sào ruộng của gia đình.

Nhờ thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật và chủ động phòng trừ sâu bệnh nên cây ổi đã phát triển tốt, ít sâu bệnh và sớm cho thu hoạch. Trái to, mã đẹp và giá thành khá cao. Từ đó, anh Thắng quyết định mở rộng mô hình trồng ổi Đài Loan ra toàn bộ diện tích đất vườn của gia đình.

Theo anh Nguyễn Văn Thắng, đặc điểm nổi bật của ổi Đài Loan là dễ trồng, năng suất cao ngay từ năm thứ 2 và tiếp tục cho hiệu quả cao hơn trong các năm tiếp theo, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng đồng bằng, đất bãi bồi. Nếu chăm sóc tốt, cây ổi Đài Loan sẽ có khả năng sinh trưởng, phát triển nhanh, chống chịu được nhiều loại sâu bệnh.

Thành công trong “bắt” ổi Đài Loan ra quả quanh năm

Sau những năm đầu gắn bó cùng cây ổi Đài Loan, anh Thắng nhận thấy, giống ổi này cho năng suất, chất lượng trái khá ổn định nhưng hạn chế là thường chỉ tập trung ra trái vào một mùa trong năm.  Vào mùa, trái thu hoạch nhiều sẽ bị thương lái ép giá, trong khi các mùa khác, khách đến tận vườn hỏi thì lại không có ổi để bán. Nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết tâm phải tìm ra cách “bắt” ổi ra quả theo ý mình.

Đầu tư thời gian tìm đọc các loại sách chuyên về trồng trọt; gặp gỡ, trao đổi với những người có kinh nghiệm và nhất là tự mày mò nghiên cứu thực tiễn, thành công đã đến với anh Thắng khi anh giúp vườn ổi của gia đình có quả quanh năm. Cách làm của anh không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi phải có kinh nghiệm thực tiễn quan sát, nắm chắc từng gốc ổi, từng mùa ra trái. Sau mỗi vụ thu hoạch ổi, anh lại tính toán và tiến hành cắt cành để điều chỉnh chu kỳ ra hoa của cây ổi. Với trái ổi, ngay từ khi mới đậu quả, anh đã khéo léo bọc cẩn thận bằng nilon để bảo đảm mẫu mã và hạn chế sâu bệnh phá hoại.

Với cách nghĩ, cách làm sáng tạo, gần 10 năm qua, cây ổi Đài Loan đã mang lại cho gia đình anh Nguyễn Văn Thắng nguồn thu khá lớn. Đến nay, trên diện tích hơn 1 ha, gia đình anh trồng gần 500 gốc ổi, giá thu mua trung bình vào khoảng 18 - 22 nghìn đồng/kg. Thời điểm giáp Tết, giá ổi có thể lên tới 30 - 35 nghìn đồng/kg. Bình quân hàng năm, cây ổi Đài Loan mang về cho gia đình anh Thắng khoảng trên 250 triệu đồng. Điều đặc biệt là nhờ tính toán được mùa vụ và chủ động thu hoạch theo phương pháp “gối vụ quanh năm”, nên chất lượng trái ổi của gia đình anh luôn bảo đảm, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ngoài việc bán trái ổi, anh Thắng còn tiến hành ghép và bán ổi giống để đáp ứng nhu cầu của bà con khu vực lân cận. Hiện nay, vườn nhà anh thường xuyên có gần 500 cây ổi giống. Với giá bán từ 15 - 20 nghìn đồng/cây, hàng năm, tiền bán cây giống cũng mang lại cho gia đình anh Thắng nguồn thu không nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: “Là một trong những người tiên phong đưa cây ổi Đài Loan về với đồng đất Yên Hòa, mô hình trồng ổi của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng là điểm sáng trong phát triển kinh tế hộ. Chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều buổi tham quan học tập để nhân rộng mô hình hiệu quả này”.

Vừa hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn cây, anh Thắng vừa say sưa nói về cây ổi Đài Loan như đang kể chuyện về một người bạn thân nào đó. Theo anh Thắng, nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, ổi Đài Loan có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất xơ, tốt cho đường ruột; giúp điều trị bệnh tiểu đường, hạ huyết áp và ngăn ngừa ung thư. Việc hạn chế tối đa sử dụng chất bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác cũng giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng trái ổi.

Điều khiến cho anh Thắng trăn trở nhất hiện nay, đó là làm thế nào để tăng giá trị kinh tế của cây ổi Đài Loan cũng như bảo đảm đầu ra ổn định cho loại quả này. Bởi trên thực tế, nhiều năm qua, gia đình anh và bà con trong vùng chưa có được nguồn tiêu thụ mang tính ổn định mà chủ yếu là bán cho các thương lái khu vực Hà Nội và các chợ đầu mối ở Hưng Yên. Thị trường thiếu ổn định dẫn đến người trồng dễ dàng bị thương lái ép giá.

Chia sẻ cùng chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Vừa qua, tôi đã cùng với 3 hộ khác ở trong xã phối hợp thành lập Nhóm liên kết phát triển ổi Yên Hòa. Các thành viên trong nhóm không chỉ thường xuyên trao đổi, giúp đỡ nhau về cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc ổi mà còn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến xây dựng thương hiệu ổi Yên Hòa, phấn đầu từng bước tạo thị trường ổn định cho loại cây này”.

Ông Trịnh Thế Ba, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Hòa đánh giá: “Anh Nguyễn Văn Thắng là một điển hình trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân xã. Thành công của mô hình chuyên canh ổi Đài Loan đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới hiệu quả cho nhiều hộ gia đình ở thôn Thung Linh nói riêng và xã Yên Hòa nói chung. Đến nay, riêng tại thôn Thung Linh đã có trên 90% diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi để phát triển các loại cây ăn quả như ổi, cam Vinh, nhãn chín muộn...”

Chia tay người nông dân Nguyễn Văn Thắng, ngắm nhìn vườn ổi đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới, chúng tôi càng thêm khâm phục ý chí làm giàu và tính sáng tạo của chàng trai trẻ. Chúc cho những dự định của anh sớm trở thành hiện thực, để cây ổi Đài Loan sẽ cùng anh đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của quê hương./.

Phan Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN