Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người lao động thiệt thòi khi nhận bảo hiểm xã hội một lần

Thứ Năm, 30/03/2017 10:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Năm 2016 đã có 600.000 người lao động hưởng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần sau một năm nghỉ việc, hay còn gọi là thanh toán “một cục” rồi về hưu. Tuy nhiên nếu nhận BHXH một lần, người lao động sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Tại Hội nghị trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách các cơ quan báo chí năm 2017 đang diễn ra tại TP Huế từ ngày 28 - 31/3, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, năm 2016 đã có 600.000 người lao động xin hưởng BHXH 1 lần, tương đương với 600.000 trường hợp có nguy cơ không bảo đảm được cuộc sống khi về già.

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội báo cáo tại
 Hội nghị trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách
các cơ quan báo chí năm 2017. Ảnh: Đỗ Thoa

Chưa nhận thức đúng về BHXH một lần

Ngày 22/6/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện sẽ được lựa chọn để được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Với quan điểm hướng tới việc mở rộng diện bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện an sinh xã hội, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Tuy nhiên, khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 vẫn chưa có hiệu lực thi hành, một bộ phận người lao động chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Căn cứ các đề xuất sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, ngày 22 tháng 6 năm 2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

Nghị quyết khẳng định người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Chia sẻ về nguyên nhân nhiều người nhận thanh toán “một cục”, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp nên người lao động muốn lấy BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt, chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già. Nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài. Họ làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội để làm vốn về quê làm ăn. Thực tế cũng có nhiều người lo sợ sẽ có nhiều rủi ro, trượt giá, rồi sẽ mất hết quyền lợi nên chỉ muốn cầm tiền trước trong tay cho chắc. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời nên người lao động chưa hiểu cặn kẽ được ý nghĩa, mục đích của các quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Đặc biệt là quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, nếu hiểu rõ được các lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, nhiều người lao động sẽ không nhận BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng BHXH để có cơ hội nhận lương hưu khi về già. “Quy định Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 sẽ giúp người lao động hưởng nhiều quyền lợi hơn. Quy định này nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để có thể hưởng lương hưu theo quy định thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần”, TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Người lao động thiệt thòi khi nhận bảo hiểm xã hội một lần

Gợi nhắc lại trong thực tế thi hành Quyết định 176/HĐBT ngày 09/10/1989 vào đầu những năm 90 có nhiều người lao động sau khi nhận BHXH một lần lại mong muốn hoàn trả lại quỹ BHXH phần họ đã nhận để tiếp tục thời gian làm việc và đóng BHXH, nhưng pháp luật không cho phép. TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đây là bài học rất đau lòng và minh chứng rõ nhất cho các hệ luỵ của người lao động khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Chi trả lương hưu cho người hưu trí. Ảnh: Quốc Hùng

Phân tích về những thiệt thòi mà người lao động phải chịu khi hưởng BHXH một lần, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội  Bùi Sỹ Lợi cho biết, hiện nay, theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng, trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14% có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương, nhưng nếu hưởng 1 lần thì chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho 1 năm tham gia BHXH. Như vậy, quỹ BHXH không hề bị ảnh hưởng nhưng người lao động lại chịu thiệt thòi, mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm.

Đưa ra ví dụ một trường hợp ông Nguyễn Văn A đóng bảo hiểm xã hội 20 năm rồi nhận 45 triệu về hưu mở quán phở. Liệu ông A bán phở được bao nhiêu năm? Chưa nói đến việc kinh doanh không thành công, nếu đến 60 tuổi ông A không còn đủ sức khỏe, thì ông này sẽ làm gì cho đến 80 tuổi để được hưởng 270.000 đồng của nhà nước trợ cấp?

Như vậy, theo Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, người lao động có lương hưu sẽ có nguồn thu nhập ổn định hơn, bảo đảm cuộc sống khi về già. Ngoài lương hưu hàng tháng được nhận, người lao động được cấp thẻ bảo hiểm y tế, không may ốm đau đã có Quỹ khám chữa bệnh BHYT chi trả tiền.

Cùng với đó, khi người lao động qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lượng cơ sở tại thời điểm người lao động chết. Thân nhân người lao động cũng được nhận trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng. Đối với trường hợp có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì tối đa được 4 định suất trong đó con nhỏ được hưởng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ già hưởng cho đến khi qua đời.

 “Có thể nói, nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lĩnh BHXH 1 lần cho cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn hơn gấp nhiều lần…

Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về bảo hiểm xã hội một lần như sau: Người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

d) Trường hợp người lao động là:

+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

+ Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Về cách tính bảo hiểm xã hội một lần: Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

 

Ảnh: Chi trả lương hưu cho người hưu trí. Ảnh: Quốc Hùng
Ảnh: Chi trả lương hưu cho người hưu trí. Ảnh: Quốc Hùng
Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN