Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngoại trưởng các nước G7 kêu gọi tránh kịch bản leo thang xung đột ở Trung Đông

Thứ Hai, 05/08/2024 09:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngày 4/8, các Ngoại trưởng thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Trung Đông kiềm chế trước mọi hành động có thể khiến xung đột leo thang hơn nữa.

 Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani. (Ảnh: Reuters)

Thông điệp trên được đưa ra trong cuộc họp bất thường của Nhóm G7 (gồm Canada, Mỹ, Pháp, Anh, Italy, Đức và Nhật Bản) được triệu tập sau những diễn biến căng thẳng leo thang gần đây ở khu vực Trung Đông.

Tuyên bố của Italy, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của G7, nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan từ bỏ mọi hành động có thể cản trở lộ trình đối thoại và hòa bình cũng như kích động một kịch bản leo thang mới".

Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani cho biết, sau khi thảo luận về những diễn biến mới nhất trong một cuộc họp trực tuyến, Ngoại trưởng các nước Nhóm G7 bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây có nguy cơ dẫn đến nguy cơ khu vực hóa cuộc khủng hoảng, bắt đầu từ Li-băng”. Qua đó, Ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm G7 kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế trước vòng xoáy của các hành vi trả đũa bạo lực, hạ nhiệt căng thẳng và hành động mang tính xây dựng để cải thiện tình hình bởi “kịch bản leo thang xung đột ở Trung Đông sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ ai”.

Xung đột ở Trung Đông đang tăng nhiệt

Xung đột ở Trung Đông đang có dấu hiệu tăng nhiệt sau vụ các vụ ám sát chỉ huy quân sự cấp cao của phong trào Hezbollah người Li-băng - ông Fouad Shokor tại thủ đô Beirut (Li-băng), và nhà lãnh đạo chính trị của Hamas Ismail Haniyeh tại thủ đô Tehran của Iran ngày 31/7 vừa qua.

Vài ngày trước đó, một cuộc tấn công bằng tên lửa ở Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng đã khiến 12 trẻ em và thanh thiếu niên thiệt mạng.

Iran, phong trào Hamas và Hezbollah đổ lỗi cho Israel về các vụ việc nói trên, đồng thời cảnh báo sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả. Cho đến nay, Israel đã lên tiếng nhận trách nhiệm về cái chết của chỉ huy quân sự cấp cao của phong trào Hezbollah, song không xác nhận vai trò liên quan tới vụ ám sát nhà lãnh đạo chính trị của Hamas.

Tên lửa bắn từ miền Nam Li-băng bị hệ thống phòng không "Vòm sắt" của Israel đánh chặn trên vùng Thượng Galilee ở miền bắc Israel vào ngày 15/7. (Ảnh: AFP) 

Kể từ sau thời điểm trên, các cuộc đấu súng và tên lửa diễn ra ngày càng dữ dội hơn tại khu vực dọc biên giới Israel – Li-băng. Tiến trình đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza cũng được cho là đã rơi vào ngõ cụt sau vụ ám sát ông Haniyeh. Những diễn biến này đã hối thúc cộng đồng quốc tế đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao chặn chặn khủng hoảng tiếp tục leo thang và lan rộng trong khu vực.

Trong bối cảnh trên, tuyên bố của Ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm G7 một lần nữa khẳng định ưu tiên kết thúc thành công các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza, trao trả tự do cho các con tin, đồng thời khẳng định cam kết tăng cường viện trợ nhân đạo cho người dân Dải Gaza.

Cũng trong ngày 4/8, Ngoại trưởng Italy đã hưởng ứng động thái của Pháp, Mỹ, Ả rập Xê út, Anh và Jordan nhằm kêu gọi tất cả các công dân nước này tránh đến Li-băng cũng như rời khỏi quốc gia này càng sớm càng tốt do “tình hình ngày càng tồi tệ”.

Ngày 4/8, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Finer cho biết nước này đang chuẩn bị ứng phó với mọi khả năng có thể xảy ra ở Trung Đông, bao gồm các cuộc tấn công nhắm tới Israel và một cuộc xung đột khu vực. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên cùng có các bước nhằm giảm căng thẳng khu vực, ngăn chặn xung đột leo thang và thúc đẩy ổn định khu vực./.

T.Lan (Theo Xinhua, Bernama)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN