Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nghiêm khắc để học sinh biết bảo vệ mình, sống có trách nhiệm

Thứ Sáu, 11/03/2016 17:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa đưa ra quy định buộc thôi học một tuần nếu học sinh nhiều lần tái phạm các quy định về an toàn giao thông. Nghiêm khắc với học sinh là để giúp họ bảo vệ an toàn về tính mạng, có kỹ năng sống và trách nhiệm với cộng đồng.

Từ nay học sinh Thủ đô sẽ buộc thôi học một tuần nếu nhiều lần vi phạm giao thông. Ảnh: dantri.com.vn

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ra văn bản về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020.

Theo đó,  Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu 100% cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học được quán triệt quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ký cam kết với nhà trường chấp hành nghiêm túc các quy định này.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đưa ra “biện pháp mạnh” với học sinh, sinh viên mỗi lần vi phạm giao thông. Theo đó, các học sinh, sinh viên khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Nếu biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần hai, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú. Trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.

Quy định mới của Sở Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, dù đa số đồng tình, nhưng cũng có không ít ý kiến chưa đồng thuận với quy định buộc thôi học một tuần nếu học sinh nhiều lần tái phạm các quy định về an toàn giao thông.

Những người chưa đồng thuận với quy định mới thì cho rằng, buộc thôi học 1 tuần với học sinh sẽ làm cho các cháu không theo kịp chương trình học dẫn đến mặc cảm, xấu hổ với bạn, nguy cơ bỏ học tăng; đối với  học sinh tiểu học, vì nhận thức còn hạn chế nên chỉ dùng biện pháp giáo dục giáo dục, răn đe là chính.

Việc có những ý kiến khác nhau từ một văn bản ảnh hưởng trực tiến đến gần 1,7 triệu học sinh Thủ đô là chuyện bình thường. Điều đáng nói, cái gốc của “biện pháp mạnh” là nhằm giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông và bảo vệ tính mạng của học sinh.

Được biết, mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị tai nạn giao thông, trong đó quá nửa không đội mũ bảo hiểm. Theo số liệu thống kê, Hà Nội có khoảng 800 ngàn em thuộc diện phải đội mũ bảo hiểm khi đi học. Và nếu không có “biện pháp mạnh”, chỉ cần 1% học sinh không chấp hành, thì có 8.000 học sinh không đội mũ bảo hiểm đi học, và nguy cơ không đảm bảo an toàn về tính mạng luôn rình rập.

Nghiêm khắc với học sinh ngay ở “tuổi đẹp nhất” là việc cần làm nếu muốn thế hệ trẻ biết tự bảo vệ tính mạng của mình, thượng tôn pháp luật, ứng xử có văn hóa với cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề lớn liên quan đến con người và cộng đồng, một mình ngành Giáo dục không thể giải quyết được. Ngoài sự nghiêm minh của luật pháp là trách nhiệm giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, trách nhiệm của các bậc cha, mẹ, của thày cô giáo đối với con trẻ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc "nêu gương" - người lớn phải luôn luôn chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông.

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN