Nghĩa trủng Xuân Áng - khắc ghi hào khí cha ông
Thứ Hai, 29/07/2024 10:18 (GMT+0)
(ĐCSVN) - Nghĩa trủng Xuân Áng là nơi ghi dấu hào khí và lòng yêu nước của các nghĩa sĩ phong trào Cần Vương.
Tọa lạc trên một gò đất giữa cánh đồng bằng phẳng thuộc khu 11, xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), Nghĩa trủng Xuân Áng là nơi thờ tự và an nghỉ vĩnh hằng của 103 nghĩa sĩ yêu nước đã anh dũng hy sinh trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp. Phong trào này do tướng quân Ngô Quang Bích khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1884, đặt căn cứ tại Tiên Động (xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). “Nghĩa trủng” là từ Hán Việt (tương đương với Nghĩa trang), là ngôi mộ chung của những người chết vì làm việc chính nghĩa.
Theo tư liệu lịch sử, sau khi các nghĩa sĩ chiến đấu và anh dũng hy sinh, đến năm 1887, Lãnh binh Bùi Hữu Khanh quy tập hài cốt 103 nghĩa sĩ về tại xã Xuân Áng huyện Hạ Hòa. Nơi quy tập hài cốt các liệt sỹ được gọi là Nghĩa trủng Xuân Áng. Trải qua thời gian hơn một thế kỷ, Nghĩa trủng Xuân Áng đã được gia tộc họ Bùi Hữu xã Xuân Áng cùng các nhà hảo tâm tôn tạo khang trang vào ngày 23 tháng 12 Nhâm Thìn (2013). Theo đánh giá của Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì Nghĩa trủng Xuân Áng là địa điểm lịch sử có giá trị trong hệ thống các di tích thời kỳ kháng chiến chống Pháp, là một trong những nghĩa trủng lớn của cả nước.
Khuôn viên Nghĩa trủng Xuân Áng rộng 513m2 gồm các hạng mục như cổng, câu đối khu mộ, cây hương, văn tế Nghĩa trủng, bia đá, cây đa cổ thụ. Bên phải nghĩa trủng là ngọn núi Ván trùng điệp xanh thẳm, phía trước là cánh đồng lúa bát ngát, xa xa là núi Ông cao sừng sững. Với giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, Nghĩa trủng Xuân Áng đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 3290/QĐ-UBND, ngày 16/12/2020 của UBND tỉnh Phú Thọ. Nghĩa trủng Xuân Áng là nơi lưu giữ, hội tụ những giá trị lịch sử - văn hóa, khắc ghi hào khí, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của các anh hùng nghĩa sĩ trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Nơi đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
|
Biển chỉ dẫn di tích Nghĩa trủng Xuân Áng được đặt ở ven con đường nhỏ giữa cánh đồng. |
|
Theo lối dẫn trên con đường bê tông chừng 200m sẽ đến được Nghĩa trủng Xuân Áng toạ lạc trên gò đất nhô lên giữa cánh đồng. |
|
Nghĩa trủng Xuân Áng toạ lạc dưới cây đa cổ thụ toả bóng mát. Từ cổng vào có bốn trụ cột, hai bên có hai hàng câu đối. |
|
Không gian bên trong bao gồm các hạng mục chính như mộ, bia đá và văn tế được tạo tác, xây dựng khang trang. Mộ được thiết kế hình tròn, nghiêng về phía trước, là nơi an nghỉ vĩnh vằng của 103 nghĩa sĩ phong trào Cần Vương. |
|
Phía sau mộ là lư hương bằng đá đặt ở chính giữa ban thờ. |
|
Bia đá ghi lại thông tin về các nghĩa sĩ và quá trình quy tập Nghĩa trủng do nhà sử học Lê Văn Lan biên soạn. |
|
Kế bên phải bia đá là Văn tế Nghĩa trủng Xuân Áng được thiết kế trên khổ rộng của tấm bia xây bằng gạch. |
|
Trước mặt Nghĩa trủng là không gian khoáng đạt, yên bình với cánh đồng lúa xanh bát ngát, xa xa là ngọn núi Ông cao vời vợi. |
|
Lễ đón Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Nghĩa trủng Xuân Áng do xã Xuân Áng, UBND huyện Hạ Hoà tổ chức. |
|
Di tích Nghĩa trủng Xuân Áng là nơi nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia về lịch sử, văn hoá đến viếng thăm, tìm hiểu và nghiên cứu. |
|
Đoàn viên thanh niên xã Xuân Áng thắp nến tri ân các nghĩa sĩ tại Nghĩa trủng Xuân Áng nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7. |
Tin và ảnh: Nguyễn Thế Lượng