Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nghĩ về ngành sư phạm!

Thứ Sáu, 18/08/2017 15:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sức ép với ngành Giáo dục quả là không nhỏ, vừa phải giải quyết tình trạng thừa giáo viên, vừa phải đổi mới công tác tuyển sinh ngành sư phạm để chấm dứt hiện tượng một số trường sư phạm gọi nhập học thí sinh chỉ đạt 9 điểm/ 3 môn.

  Ảnh minh họa. (Nguồn: vtc.vn)

Thừa giáo viên, chuyện có thật được nói nhiều từ hai năm nay. Theo báo cáo mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước đang thừa 26.750 giáo viên ở các cấp, trong đó cấp trung học cơ sở dư tới 21.005 người (gần 80%); nhưng lại thiếu gần 13.000 giáo viên các cấp. Từ số liệu này cho thấy, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số cấp học, nhưng số giáo viên thừa vẫn nhiều hơn.

Thừa giáo viên có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc không dự liệu được sự thay đổi cơ cấu dân số, số lượng học sinh đến trường; sự phát triển “nóng” các trường sư phạm trong cả nước.

Thừa giáo viên dẫn đến việc không ít trường sư phạm khó tuyển đủ chỉ  tiêu. Thực tế đã chứng minh, trong kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay, đã có một số trường sư phạm chấp nhận gọi nhập học với thí sinh chỉ đạt 9 điểm/ 3 môn. Tuyển thí sinh yếu kém vào học sư phạm sẽ gây ra nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề chất lượng giáo dục. Bởi chất lượng giáo dục phần nhiều phụ thuộc vào chất lượng của giáo viên, và chất lượng giáo viên lại phụ thuộc vào chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm.

Giải bài toán thừa giáo viên và chấm dứt hiện tượng 9 điểm/3 môn vào ngành sư phạm quả là thách thức đối với ngành Giáo dục. Đã có nhiều giải pháp mới được đưa ra bàn thảo trong những ngày qua, nhưng vẫn còn một số ý khác nhau.

Để giải quyết số lượng giáo viên dư thừa, ngành Nội vụ và ngành Giáo dục cần ngồi lại với nhau để tìm được tiếng nói chung. Bởi sự bất cập tồn tại nhiều năm nay chưa được giải quyết là, tuyển dụng giáo viên do ngành Nội vụ, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh và chất lượng giáo dục lại do ngành Giáo dục.

Điều chuyển giáo viên ở cấp học thừa sang cấp học thiếu là một trong những giải pháp đã bàn thảo nhiều lần, nhưng cái lo nhất là giáo viên dạy không đúng chuyên môn đào tạo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Đào tạo thêm để giáo viên mầm non dạy được lớp 1 và ngược lại sẽ không quá khó; nhưng đào tạo thêm để giáo viên tiểu học dạy được trung học phổ thông thì dường như quá khó, mất nhiều thời gian mà hiệu quả khó đoán định.

Điều chuyển giáo viên dạy không đúng chuyên môn thì lo chất lượng giáo dục không đạt chuẩn, nhưng nếu không điều chuyển thì lại lãng phí nguồn lực.

Gỡ khó được bất cập, chồng chéo nêu trên không phải việc đơn giản, vì ngoài việc xem xét sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thì cần đến nhiều nguồn lực khác.

Sức ép với ngành Giáo dục quả là không nhỏ, vừa phải giải quyết tình trạng thừa giáo viên, vừa phải đổi mới công tác tuyển sinh ngành sư phạm để chấm dứt hiện tượng một số trường sư phạm gọi nhập học thí sinh chỉ đạt  9 điểm/ 3 môn.

Để nâng cao chất lượng đầu vào ngành sư phạm, ngành Giáo dục vừa đưa ra giải pháp áp dụng điểm sàn riêng đối với các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên trong kỳ tuyển sinh năm 2018. Cùng với đó là giải pháp cắt giảm chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm. Nếu giải pháp này được thực hiện, nhiều trường đại học, cao đẳng sư phạm yếu kém sẽ phải sáp nhập, giải thể hoặc chọn một mô hình đào tạo khác.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tiến nhanh hay chậm không thể thiếu vai trò của ngành Giáo dục và mỗi thầy cô giáo. Nói như thế để thấy rằng, ngành Giáo dục phải sớm hóa giải được những bất cập dù nhỏ, đặc biệt là phải không ngừng đổi mới để đào tạo ra những tài năng hội nhập được xu hướng phát triển của thế giới!./.

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN