Nghị quyết 36: Quyết sách phát triển bền vững kinh tế biển
(ĐCSVN) – Nghị quyết 36 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 các ngành kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước…Nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết, nhiều tỉnh thành ven biển đã đưa ra hàng loạt quyết sách, nhằm đưa nền kinh tế biển của tỉnh tiến tới phát triển bền vững.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Bích Liên |
Theo các chuyên gia, trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của biển. Theo đó, các chủ trương, chính sách lớn về biển và phát triển bền vững kinh tế biển đã được Trung ương xem xét, ban hành để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện.
Theo Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến năm 2030 phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Sau 04 năm thực hiện Nghị quyết số 36, các địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết và đạt được những kết quả nhất định.
Phú Yên: Nhiều kết quả nổi bật sau 4 năm triển khai Nghị quyết
Là tỉnh thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên có bờ biển dài 189 km, với ngư trường rộng, nguồn thuỷ sản phong phú; nhiều đầm vịnh kín gió, thuận lợi cho nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, phát triển dịch vụ du lịch và cảng biển. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính, trong đó có 04 huyện, thị xã và thành phố ven biển là: Huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa, với 54 xã, phường, thị trấn ven biển, chiếm 25% diện tích và 56,4% dân số toàn tỉnh.
Qua gần 04 năm triển khai Nghị quyết số 36 của Ban chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Phú Yên đạt được những kết quả đáng phấn khởi, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tích cực tham gia bảo vệ quyền, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ, khu vực ven biển của tỉnh Phú Yên phát triển mạnh, là đầu tàu kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10,5%/năm; thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, đóng góp trên 65% giá trị GDP và trên 75% ngân sách tỉnh. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, du lịch được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ, phục vụ tốt công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển. Hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển được đẩy mạnh. Khu vực ven biển của tỉnh đã hình thành 5 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích hơn 460 ha, đã có hơn 80 dự án đầu tư, tỉ lệ đăng ký đầu tư lấp đầy khoảng 77%.
Để tiếp tục thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, tỉnh Phú Yên sẽ có những chính sách để tập trung thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia các ngành kinh tế biển như: Năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy, hải sản quy mô công nghiệp, du lịch biển… Định hướng phát triển kinh tế biển xanh, bền vững, thân thiện với môi trường cũng như bảo vệ, phát triển cộng đồng dân cư địa phương.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy hoạch tỉnh nhằm thống nhất quy hoạch các địa phương ven biển, quy hoạch khu dân cư, đô thị, khu kinh tế, khu dịch vụ ven biển; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trong hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đầu tư công nghệ, kỹ thuật hiện đại để nuôi trồng thủy sản xa bờ. Đồng thời, đầu tư, khai thác có hiệu quả cảnh quan tự nhiên như vũng, vịnh bãi biển, đảo, cụm đảo để khai thác đa dạng loại hình dịch vụ du lịch; chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo, khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển trên vùng biển của tỉnh, từng bước tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong cảnh báo, giám sát động đất, sóng thần, bão lũ…
Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiến tới đô thị hóa vùng ven biển và hải đảo
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, những năm qua, nhờ có những quyết sách phát triển kinh tế biển hướng đến sự phát triển bền vững, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Chương trình hành động số 44-CTr/TU ngày 09/10/2019 thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu là đẩy nhanh tốc độ xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành tỉnh mạnh của vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ; đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển, biển xâm thực vùng ven biển; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển trên địa bàn tỉnh; ứng dụng thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trong phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh.
Với những mục tiêu trên, toàn tỉnh đã tập trung vào các ngành có tiềm năng, lợi thế của địa phương đạt những kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, về kinh tế hàng hải, hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 57 bến cảng được quy hoạch; trong đó, đã đưa vào khai thác được 28 bến cảng với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD và tổng chiều dài cầu bến 11,6 km. Cùng với phát triển cảng biển, ngành dịch vụ hậu cần cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chuyển biến tích cực, từng bước hình thành hệ sinh thái logistics. Hiện nay, tỉnh đã có 20 dự án kho bãi logistics đi vào hoạt động với tổng diện tích chiếm đất khoảng 224 ha. Công tác quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Trung tâm logistics Cái Mép Hạ đã hoàn thành, đây là cơ sở pháp lý để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư xây dựng, kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về du lịch và dịch vụ biển, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; sản phẩm du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí như: lướt ván, thuyền buồm, câu lạc bộ diều, cờ quốc tế để phục vụ du khách; ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế.
Những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh có lượng khách tăng trưởng bình quân hơn 12,9% năm, trong đó phần lớn lượng khách đến vùng biển đảo; tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân trên 15,9%/năm.
Về kinh tế thủy sản, với lợi thế diện tích vùng biển và ven biển rộng lớn, điều kiện tự nhiên thuận lợi, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chú trọng đến phát triển nuôi trồng thủy sản. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017 - 2020 đạt 4,52%/năm. Hiện nay, diện tích nuôi thủy sản nước mặn và nước lợ của Bà Rịa - Vũng Tàu lên đến 4.492 ha với sản lượng đạt hơn 11.000 tấn/năm. Trong đó, có khoảng 3.900 ha mặt nước đang nuôi trồng các loại tôm sú, thẻ chân trắng…
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả phát triển bền vững kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh sẽ thực hiện đô thị hóa vùng ven biển và hải đảo nhằm tạo động lực tăng trưởng mạnh và sức lan tỏa lớn đối với các vùng khác của tỉnh. Ưu tiên nguồn lực trong việc đầu tư cho khoa học - công nghệ biển của tỉnh, nhất là ưu tiên vào lĩnh vực hải dương học, gắn khoa học và công nghệ với phát triển du lịch biển, tham quan học tập và giáo dục dục cộng đồng; sớm đầu tư dự án Khu Khoa học và công nghệ biển tại thành phố Vũng Tàu.
Tỉnh sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực biển nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý biển cũng như đáp ứng được yêu cầu khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ tốt môi trường biển và phát triển hiệu quả kinh tế biển của tỉnh.
Đặc biệt, tiếp tục dành nguồn lực thích hợp để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển của tỉnh cũng như tạo sự kết nối các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, đầu tư cho việc bảo đảm nguồn điện cung cấp cho Côn Đảo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng biển Côn Đảo./.