Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 24/6

Thứ Hai, 24/06/2024 07:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Từ ngày 24/6 đến ngày 27/6/1991 tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng cộng sản Việt Nam. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương (khoá VII) gồm 146 uỷ viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Sự kiện trong nước

- Ngày 24/6/1954: Ngày chiến thắng Đắk-pơ (An Khê, tỉnh Gia Lai). Trận phục kích tiêu diệt quân địch ở Đắk-pơ của Trung đoàn 96 và các lực lượng vũ trang địa phương, diễn ra sau Chiến thắng Điện Biên Phủ hơn một tháng rưỡi, là một trận đánh lớn, tiêu biểu nhất trong giai đoạn 75 ngày diễn ra Hội nghị quốc tế ở Giơ-ne-vơ bàn về chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương. 

Đền Tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đắk-pơ tại Gia Lai. Ảnh: dakpo.gialai.gov.vn
 

Trong trận đánh này, Trung đoàn 96 đã lợi dụng được địa hình, địa thế hiểm của đoạn đường ở cầu Đắk-pơ, bố trí trận địa phục kích liên hoàn, chặn đầu, khóa đuôi, phát huy được sức mạnh tổng hợp của yếu tố con người, vũ khí, địa hình, địa thế có lợi cho ta, bất lợi cho địch, nên đã giành được thắng lợi giòn giã.

Chiến thắng Đắk-pơ diễn ra trong khi Hội nghị Giơ-ne-vơ đang diễn ra khá gay go, đã góp phần cùng với những chiến thắng quân sự khác trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, buộc phái đoàn của Pháp phải đàm phán một cách nghiêm chỉnh, để tiến tới việc ký kết các hiệp định đình chỉ chiến sự trên toàn Đông Dương.

- Ngày 24/6/1959, Bác Hồ đã ra tận sân bay Gia Lâm đón ngài Sukarno Tổng thống Indonesia thăm Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra từ 24 đến 29/6/1959. Trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm lịch sử tới Indonesia (tháng 3/1959). Hai chuyến thăm trên đã trở thành những dấu mốc quan trọng trong lịch sử bang giao giữa hai dân tộc, đặt nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị Việt Nam-Indonesia. 

Mối quan hệ gần gũi giữa hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống Sukarno đặt nền móng và được thử thách, tôi luyện, được các thế hệ Lãnh đạo, nhân dân hai nước nâng niu, gìn giữ, vun đắp và phát triển suốt những năm qua. 

- Từ ngày 24/6 đến ngày 3/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã họp phiên đầu tiên với 492 đại biểu. Có thể coi đây là phiên họp lịch sử của Quốc hội, vì đây là phiên họp đầu tiên sau khi đất nước thống nhất. 

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và tổ chức Nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới. Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định khoá Quốc hội được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976 là Quốc hội khoá VI nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Ðịnh là Thành phố Hồ Chí Minh.

- Từ ngày 24/6 đến ngày 27/6/1991 tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng cộng sản Việt Nam. Dự Đại hội có 1176 đại biểu đại diện cho 2.155.022 đảng viên ở các lĩnh vực hoạt động khác nhau từ mọi miền của đất nước hoặc đang công tác ở nước ngoài về dự Đại hội.

 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. Ảnh tư liệu 

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương (khoá VII) gồm 146 uỷ viên. Hội nghị thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 uỷ viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng; Điều lệ Đảng (sửa đổi).

Thành công của Đại hội đánh dấu bước trưởng thành mới của Đảng, cột mốc mới trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Diễn văn bế mạc Đại hội do đồng chí Đỗ Mười đọc nêu rõ: “Kết quả nổi bật của Đại hội chúng ta là sự nhất trí trên tất cả các vấn đề lớn thuộc về quan điểm, đường lối có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước. Đại hội là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng và của nhân dân trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những giá trị của loài người vào giai đoạn hiện nay của sự nghiệp cách mạng nước ta. Kết quả đó khẳng định Đảng ta kiên trì và tích cực đẩy mạnh công cuộc đổi mới do chính bản thân Đảng khởi xướng theo những nguyên tắc đã được xác định… Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có nguyên tắc và có bước đi vững chắc, đó là mệnh lệnh của cuộc sống, là quá trình không thể đảo ngược”.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 24/6/1945, hơn một tháng sau khi phát xít Đức đầu hàng quân Đồng minh, một cuộc duyệt binh lịch sử đã được tổ chức trên Quảng trường Đỏ để vinh danh chiến thắng của Liên Xô trước phát xít Đức trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Các khối duyệt binh đi qua trước lễ đài trên Quảng trường Đỏ sáng 24/6/1945. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. 

Cuộc duyệt binh kéo dài hơn hai tiếng bất chấp trời mưa to. 40.000 lính Hồng quân, 1.850 phương tiện quân sự và các vũ khí khác góp mặt vào sự kiện này. Đây là cuộc duyệt binh dài nhất và lớn nhất từng được tổ chức trên Quảng trường Đỏ ở Moscow.

Duyệt binh Chiến thắng chỉ được tổ chức 4 lần dưới thời Liên Xô vào các dịp kỷ niệm lớn trong năm 1945, 1965, 1985 và 1990. Ngày nay, đây là sự kiện được tổ chức ngày 9/5 hàng năm tại Quảng trường Đỏ./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN