Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc

Thứ Sáu, 02/12/2022 23:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc đã trải qua 14 lần tổ chức, trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, là nơi để đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại diện các đoàn tham gia Ngày hội nhận cờ lưu niệm và hoa của Ban Tổ chức. 

Tối 2/12, tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Phú Thọ tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022. Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự và phát biểu tại buổi lễ.

Với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc”, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 diễn ra từ ngày 2 – 4/12 với sự tham gia của 7 tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La. Ngày hội là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Tại ngày hội sẽ có các hoạt hoạt động: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống và ẩm thực truyền thống địa phương; liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Bắc; triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc”, “Ảnh đẹp du lịch Tây Bắc” năm 2022; hoạt động thể thao quần chúng được tổ chức gồm bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, tung còn, tu lu, việt dã…

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung, các tỉnh Tây Bắc nói riêng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại của cả nước, là vùng đất lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Tây Bắc là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Nùng… với bản sắc văn hóa đặc trưng, được thể hiện qua các phong tục, tập quán, nghi thức dân gian, dân ca, dân vũ, các lễ hội truyền thống đặc sắc.

“Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc đã trải qua 14 lần tổ chức, trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, là nơi để đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc là di sản quý giá, được lưu truyền qua hàng ngàn năm lịch sử, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc Tây Bắc là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó đồng bào các dân tộc là chủ thể sáng tạo, giữ vai trò quan trọng.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Ngày hội.

Thông qua việc tổ chức Ngày hội, Phú Thọ cũng có nhiều cơ hội quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ với các tỉnh bạn, với du khách trong và ngoài nước, tăng cường khối đoàn kết, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức giữ gìn và phát huy trách nghiệm văn hóa dân tộc, góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc giữa Phú Thọ với các dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng, tâm huyết, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa: văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc; văn hóa còn thì dân tộc còn. Từ đó đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo 6 nhiệm vụ trọng tâm, 4 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm chấn hưng văn hóa, để văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.

Còn theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, Văn hóa các dân tộc là di sản quý giá, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung và đồng bào Tây Bắc nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với tỉnh Phú Thọ và các tỉnh trong vùng Tây Bắc tổ chức Ngày hội, qua đó thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành đối với đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc trong vùng Tây Bắc; là dịp để đồng bào trình diễn, giao lưu các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần làm cho văn hóa phát triển ngang bằng với kinh tế và các lĩnh vực khác.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong vùng Tây Bắc trong quá trình tổ chức Ngày hội phải bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm đậm tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Thông qua các việc làm thiết thực, khuyến khích, hỗ trợ đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc và phát huy tài nguyên văn hóa gắn với phát triển du lịch ở mỗi địa phương để văn hóa vừa là nền tảng tinh thần, vừa là cơ hội tạo thêm việc làm, tăng thu nhập của người dân.

Nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu tai lễ khai mạc. 

Ngay sau phần lễ, chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề Cầu vồng trên đất Tổ đã đưa người xem đến nhiều cung bậc cảm xúc khi lần lượt những di sản văn hoá, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc được tái hiện trên sân khấu lớn, đầy màu sắc của Ngày hội. Từ màu vàng của mùa lúa chín ruộng bậc thang đến màu của hoa lê, hoa mận mùa xuân Tây Bắc. Đó còn là màu hồng, lam, chàm, tím nơi thắt lưng cong của những cô gái Mông, Tày, Dao Thái…

Được đầu tư công phu, chương trình nghệ thuật Cầu vồng trên đất Tổ không chỉ mở ra không gian đầy màu sắc mà còn là câu chuyện kể sinh động về cuộc sống đồng bào các dân tộc Tây Bắc ở nhiều địa phương trên cả nước. Với các tiết mục Đất Tổ tôi về, hợp xướng Mở hội Tây Bắc, Vì em là Điện Biên, hát xoan Mó Cá… những thanh âm vang vọng nhưng không kém phần ngọt ngào đã giúp các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên thể hiện sự tự hào về những nét đặc trưng trong văn hoá của dân tộc mình…/.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN