Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngành Tư pháp đẩy mạnh tổ chức thực hiện các phong trào thi đua

Chủ Nhật, 02/09/2018 22:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trong thời gian tới, Bộ, ngành Tư pháp tập trung đẩy mạnh tổ chức thực hiện các phong trào thi đua góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, gắn với kết quả phong trào thi đua, thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.

Theo Bộ Tư pháp, ngay từ đầu năm 2018, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác để triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Đối với công tác thi đua, Bộ đã phát động phong trào thi đua chung với chủ đề “Toàn Ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao năm 2018”.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, các tập thể, cá nhân trong toàn Ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Việc thực hiện các phong trào thi đua đã đem lại nhiều kết quả công tác nổi bật.

Khối cơ quan tư pháp khu vực Đồng bằng Bắc bộ 
ký kết giao ước thi đua năm 2018. (Ảnh: TH)

Theo đó, công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được thực hiện quyết liệt, có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu, sát với khả năng, điều kiện thực tế để triển khai công việc. Toàn Ngành thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm (đã hoàn thành 47/48 nhiệm vụ có thời hạn 6 tháng đầu năm, đạt 97,92%) và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ nhiều nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành được đẩy mạnh, các chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ tiếp tục được cải thiện. Việc triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đạt nhiều kết quả, nổi bật là: Việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngày càng nghiêm túc hơn, nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm so với cùng kỳ

Trong công tác hòa giải ở cơ sở, một số địa phương có tỷ lệ hòa giải thành rất cao (Bến Tre: 91%, Long An: 90,2%). Kết  quả thi hành án dân sự tăng khá cao cả về việc và về tiền, nhất là ở các địa phương như Lai Châu, Điện Biên…

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật từng bước được đổi mới, xuất hiện một số mô hình hay, hiệu quả; giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, nhất là trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính; việc xã hội hoá các nghề tư pháp được thực hiện thận trọng, hiệu quả hơn, chất lượng hành nghề được cải thiện, quy trình cấp phép dần được chuẩn hoá; các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy được thực hiện bài bản...

Đáng chú ý, Bộ quan tâm, chỉ đạo thực hiện thường xuyên việc xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Bộ đã triển khai thực hiện nghiêm túc và cụ thể hóa Kế hoạch phát động đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018).

Theo đó, dự kiến lựa chọn, suy tôn, công nhận 32 điển hình tiên tiến (gồm 16 tập thể, 16 cá nhân đại diện cho các Cụm, Khu vực thi đua) là các tập thể, cá nhân tiêu biểu đã được cơ quan có thẩm quyền các cấp tặng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao từ các phong trào thi đua.  

Bộ, ngành Tư pháp cũng tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cán bộ Tư pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016 - 2020 gắn với việc triển khai chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua chưa thật sự đồng đều ở các cơ quan, đơn vị, Cụm, Khu vực thi đua. Công tác phát hiện và khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân lập được thành tích trong thực hiện nhiệm vụ đột xuất chưa kịp thời, chưa được chú trọng thường xuyên, còn nặng về khen thưởng thành tích cộng dồn....

Trong 6 tháng cuối năm  2018, Bộ, ngành Tư pháp xác định sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản về công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tư pháp, trọng tâm là hoàn thiện, ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng ngành Tư pháp, Quy chế tổ chức và hoạt động của Cụm, Khu vực thi đua ngành Tư pháp, Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Tư pháp, Bảng tiêu chí chấm điểm thi đua, xếp hạng đối với các đơn vị thuộc Bộ năm 2018.

Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành; lề lối, kỷ cương, kỷ luật công việc; chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm. Gắn việc chỉ đạo triển khai với việc phát huy hiệu quả các công cụ quản lý kiểm tra; thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; xử lý vi phạm.

Đồng thời, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm kịp thời, chính xác, tạo cơ chế cho các Sở Tư pháp có ý kiến trao đổi, cung cấp thông tin đầy đủ trước khi quyết định. Đẩy mạnh tổ chức thực hiện các phong trào thi đua góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, phải gắn với kết quả phong trào thi đua, thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, sẽ nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh việc biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến…/.

Vy Thảo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN