Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngành hàng lúa gạo: Giải pháp nào để biến cơ hội thành hiện thực?

Thứ Ba, 18/07/2023 12:21 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời cơ để tăng tốc xuất khẩu gạo đã đến. Tuy nhiên, liệu chúng ta có nắm bắt được cơ hội này hay không?. Điều này còn đang phụ thuộc vào chính việc tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn hiện nay của ngành hàng lúa gạo cũng như chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp.

 Ngành hàng lúa gạo cần tháo gỡ các khó khăn nội tại để nắm bắt cơ hội, gia tăng giá trị xuất khẩu trong năm 2023 (Ảnh: B.T)

Cơ hội thị trường đang rất lớn

Trong bối cảnh bức tranh chung khi nhiều mặt hàng nông sản chịu tác động lớn của tình hình lạm phát, ảnh hưởng của nguồn cầu giảm dẫn đến giá trị xuất khẩu sụt giảm mạnh, tuy nhiên, những tháng đầu năm, xuất khẩu của ngành hàng lúa gạo vẫn là một điểm sáng của ngành Nông nghiệp.

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 650 nghìn tấn với giá trị 383 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng tới 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu gạo vừa gia tăng về cả khối lượng, giá trị và giá. Đây là điều đáng mừng cho ngành hàng lúa gạo của nước ta. Diễn biến thuận lợi này tiếp tục được dự báo sẽ tiếp diễn trong các tháng cuối năm và cho cả năm sau. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm tiếp tục thuận lợi do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.

Thực tế, theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ nay đến cuối năm, dự kiến các thị trường lớn vẫn tiếp tục thu mua. Cụ thể là các thị trường: Indonesia, Philippines, Malaysia và một số thị trường châu Phi vẫn đang tiếp tục tăng mua.

Cụ thể, năm 2023, nhập khẩu gạo của Indonesia dự kiến sẽ tăng 1 triệu tấn lên 1,75 triệu tấn, chủ yếu là để tăng dự trữ. Trong khi đó, Indonesia đã nhập khẩu trở lại gạo của Việt Nam và tăng mạnh. Trong thời gian tới, Indonesia sẽ tiếp tục mở thầu. Đây là cơ hội lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng dự báo, nhập khẩu gạo của Philippines, Kenya, Iraq sẽ đạt kỷ lục trong năm 2023. Với Philippines, USDA nâng dự báo nhập khẩu gạo của nước này lên mức cao kỷ lục 3,9 triệu tấn dựa trên lượng mua lớn hơn dự kiến cho đến tháng 4, trong đó Việt Nam là nước cung cấp lớn nhất.

Bên cạnh đó, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,36 triệu tấn gạo với trị giá 704 triệu USD, giảm gần 40% về lượng và 26,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo từ một số thị trường chính như Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan…Tuy nhiên, nhập khẩu gạo từ Việt Nam tăng mạnh đến 93,2% về lượng và 116% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 445.237 tấn với trị giá 260 triệu USD. Qua đó đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023. Thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng lên mức 33% từ 10,3% của cùng kỳ.

Malaysia dự báo sẽ nhập khẩu bổ sung thêm 150.000 tấn để đảm bảo nguồn cung trong nước do nhu cầu năm nay dự báo cao hơn năm ngoái,...

Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo, niên vụ 2022-2023, tiêu thụ gạo toàn cầu đạt mức 521,4 triệu tấn, tăng 2,6 triệu tấn so với niên vụ trước. Dự báo niên vụ 2023-2024 đạt mức 523,8 triệu tấn, cao hơn 2,4 triệu tấn so với niên vụ trước. Trong khi đó, tồn kho gạo toàn cầu dự kiến giảm 8,9 triệu tấn xuống còn 173,5 triệu tấn niên vụ 2022-2023 và dự kiến năm 2023-2024 còn 170,2 triệu tấn.

Điều này cho thấy, nhiều thị trường trên thế giới đang có nhu cầu nhập khẩu gạo rất lớn, trong đó, Việt Nam có rất nhiều dư địa để gia tăng việc xuất khẩu đến thị trường các nước, chiếm lĩnh thị phần.

Nắm bắt cơ hội, tạo tiền đề phát triển bền vững lâu dài 

Thời cơ đã đến nhưng để nắm bắt cơ hội này, ngành hàng lúa gạo nước ta vẫn còn rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ ngay để tận dụng cơ hội trong thời gian ngắn hạn và tạo tiền đề cho việc phát triển bền vững lâu dài.

Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo hiện nay đang ở mức rất cao. Giá của Vụ Hè Thu hiện nay đã cao hơn cả vụ Đông Xuân và tiếp tục lên. Hiện nay, theo đánh giá của người dân, trồng lúa rất là có hiệu quả.

Tuy nhiên về cộng đồng doanh nghiệp, hiện nay đang khó khăn, bởi không thể nào vào vụ thu hoạch mới có hợp đồng mà phải ký hợp đồng trước. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng chưa kịp thu mua để đủ lượng thì giá gạo đã lên theo ngày.

Khó khăn nữa liên quan đến vấn đề vốn tín dụng. Theo đánh giá chung, Ngân hàng Nhà nước cũng như hệ thống ngân hàng thương mại đã hỗ trợ các doanh nghiệp rất nhiều.  Tuy nhiên, đối với các thương nhân xuất khẩu gạo, tài sản ít, việc vay vốn cần thế chấp bằng tài sản còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, bà Bùi Thị Thanh Tâm kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường các nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ, đồng thời tiếp tục hướng dẫn các thương nhân tiếp tục tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp một cách hiệu quả nhằm hỗ trợ các thương nhân thu mua, tạm trữ kịp thời, ổn định sản xuất. Đây là yếu tố rất quan trọng trong thời điểm thu mua dồn dập mà không phải trải dài trong cả một năm.

Thứ nữa là tăng cường chính sách cho vay không cần tài sản đảm bảo. Chính sách này có thể chỉ áp dụng trong thời gian thu hoạch mùa vụ cao điểm và phải dựa trên kết quả thẩm định năng lực và lịch sử kinh doanh của từng doanh nghệp để có chương trình phù hợp cho từng đối tượng.

Bà Tâm cũng cho rằng, với đặc thù của ngành gạo không phải là thu hoạch liên tục, đồng thời, các doanh nghiệp khác nhau nên nếu chỉ có một chính sách chung thì khả năng sẽ không đạt hiệu quả cao. Do đó, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa và có phương án ổn định lãi suất cho các kỳ hạn nhất định.

Theo ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc trời, hiện nay, cơ hội của ngành hàng gạo đã đến nhưng chúng ta đang còn rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Điều đầu tiên, đó là chúng ta đang thiếu thông tin.

“Lâu lâu chúng tôi có nhận được thông tin của thương vụ tại Ý và Pháp. Rêng hai thông tin này đã giúp xuất khẩu ở châu Âu tăng gấp 3 lần năm trước và giá tăng. Một trong những thông tin đó là họ không có nước để sản xuất dẫn đến thiếu hụt, mà thiếu hụt thì phải mua và mình có điều kiện xuất khẩu. Do đó, đầu tiên là chúng ta phải có thông tin nhiều hơn sẽ giúp chúng ta tận dụng được cơ hội này” – ông Thuận nêu ý kiến.

Thứ nữa, chúng ta mất rất nhiều về phần giá trị tăng thêm; chế biến mới được 30%, sấy, hao hụt rất là lớn. Với phần chế biến sâu, hiện nay các nước đều rất cần nhưng chúng ta không đủ vốn để xây nhà máy chế biến sâu. Chúng ta thiếu phần vốn sản xuất và lưu kho cũng như phần lưu kho chất lượng cao. Về vấn đề này, ông Thuận cho rằng, cần có nguồn vốn đủ sức để chúng ta đầu tư vào các nhà máy chế biến sâu; qua đó, giúp nâng cao giá trị xuất khẩu của ngành lúa gạo.

Theo ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long, muốn ngành lúa gạo của nước ta cạnh tranh, giành thị phần xuất khẩu, điều đầu tiên, chúng ta phải tăng năng suất và tăng chất lượng của hạt gạo. Việc tăng chất lượng ở đây không có nghĩa là câu chuyện về giống mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến khâu bảo quản sau thu hoạch – hiện đang là khâu còn nhiều vấn đề.  Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch của chúng ta vẫn cao, từ 10-30% tùy thời tiết của mỗi vụ.

“Ví dụ trong quá trình thu hoạch mà có mưa trong khi đó hạ tầng trữ và sấy của chúng ta không đảm bảo thì như vậy, chất lượng gạo của chúng ta giảm; giảm chất lượng đồng nghĩa với giảm giá trị. Cho nên ở đây cần làm thế nào để đảm bảo khâu bảo quản sau thu hoạch, giảm thất thoát sau thu hoạch là bài toán rất quan trọng” – ông Bá nhấn mạnh.

Bên cạnh đó là vấn đề về logistic. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, đến mùa vụ, chúng ta vừa thiếu năng lực sấy, do cùng một lúc thu hoạch. Thứ hai là cùng một lúc muốn vận chuyển về nơi sấy nhưng năng lực logistic hạn chế, gặp thời điểm mùa vụ rộ lên thì không đủ nguồn lực để vận chuyển.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, sớm nhất trong vòng 3 tiếng đồng hồ từ lúc thu hoạch, gạo được sấy luôn sẽ có chất lượng tốt, nếu để thời gian quá lâu thì chất lượng sẽ giảm đi rất nhiều. Do đó, logistic là bài toán cần đầu tư bài bản, doanh nghiệp cần phải tiên phong xây dựng hệ thống này để chủ động hoàn toàn trong quá trình vận tải. 

Liên quan tới vấn đề tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, thực tế, trong số doanh nghiệp của ngành xuất khẩu lúa gạo cũng có những doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả, chưa chứng minh được tính khả thi của phương án kinh doanh; sản phẩm chưa đáp ứng được thị trường và đã có phát sinh nợ xấu. Vì vậy, không đáp ứng điều kiện để tiếp cận vốn của tổ chức tín dụng. Để bảo tồn vốn, các tổ chức tín dụng cũng tuân thủ quy định hiện hành.

Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng vẫn luôn ưu tiên và đồng hành với ngành NN&PTNT và đặc biệt là trong ngành lúa gạo; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị chuyên đề để tháo gỡ khó khăn về tín dụng.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, thời cơ của ngành lúa gạo thực sự đã đến. Chúng ta có tiềm năng về thị trường, ít nhất là trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm, thậm chí năm 2024 là năm thị trường vẫn đang tiếp tục cần nhu cầu về gạo do nhu cầu mua dự trữ của các nước.  Vì vậy, chúng ta có dư địa rất lớn. Do đó, để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp, ngành hàng cần tính toán ngay các chiến lược, kế hoạch trong ngắn hạn để tận dụng thời cơ này. Các doanh nghiệp cùng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các cơ quan Nhà nước để cùng nắm bắt thông tin, chia sẻ, tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo.

Rõ ràng, hiện nay, ngành hàng lúa gạo đang được đánh giá là “được mùa, được giá” và đang có cơ hội rất lớn để tiếp tục gia tăng giá trị xuất khẩu. Do vậy, trong thời điểm hiện nay, rất cần các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, phối hợp, hỗ trợ, đồng hành cùng với các doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn trong giai đoạn trước mắt, nhất là các vấn đề về thông tin thị trường, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ khâu bảo quản, chế biến,…Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, có đủ nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, xuất khẩu.

Song hành với đó, việc đảm bảo nguồn cung trong nước là công tác cần được ngành hàng lúa gạo quan tâm, chú trọng trong giai đoạn hiện nay để phục vụ cho tiêu thụ trong nước và gia tăng cho xuất khẩu, nhất là các khâu về giống, thời gian gieo sạ, chăm sóc bảo vệ thực vật cho cây lúa,…để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thời cơ thuận lợi cho xuất khẩu ngành hàng lúa gạo đã đến! Do đó, các cơ quan Nhà nước cần cùng phối hợp tốt với doanh nghiệp, bà con nông dân để biến cơ hội hiện nay thành hiện thực, mang lại giá trị cao cho ngành hàng lúa gạo./.

B.T ​

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN