Ngành dệt may Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 thế giới
(ĐCSVN) - Năm 2024, với kim ngạch 44 tỷ USD, tăng trưởng gần 11% so với năm 2023, Việt Nam có khả năng vượt Bangladesh, đứng vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, chỉ xếp sau Ấn Độ.
Năm 2024, bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp; thiếu hụt và cạnh tranh lao động tại các trung tâm sản xuất, khu công nghiệp lớn gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất. Thị trường dệt may thế giới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ giữa năm khi các Ngân hàng Trung ương lớn như FED, ECB có các đợt cắt giảm lãi suất điều hành và việc làm, thu nhập người dân có sự cải thiện. Ước tính cả năm 2024, tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 794 tỷ USD, tăng gần 3% so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 8% so với năm 2022.
Với ngành Dệt May Việt Nam, trong quý 1, quý 2 năm 2024, tình hình vẫn rất khó khăn. Yếu tố khách quan là kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, lạm phát tăng; bất ổn chính trị tiếp tục duy trì… Bên cạnh đó, nhu cầu dệt may không tăng, đơn hàng với ngành may tiếp tục là đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu khắt khe về chất lượng, thời gian giao hàng nhanh. Đáng chú ý, đơn giá ngành may trong 6 tháng đầu năm vẫn ở mức rất thấp trên nền đơn giá của năm 2023. Với ngành sợi, thị trường vẫn ảm đạm, giá bán dưới giá thành, tuy có cải thiện một chút nhưng vẫn lỗ. Tuy nhiên, nửa cuối năm có sự đảo chiều bất ngờ. Một số thị trường đối thủ của dệt may Việt Nam bị bất ổn chính trị, điển hình là Bangladesh, dẫn tới khách hàng chuyển hướng đặt hàng từ Bangladesh sang Việt Nam. Việt Nam là một trong những thị trường được ưu tiên chọn cho các đơn hàng chuyển dịch.
Ngành dệt may Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 thế giới. |
Trước những diễn biến mới của thị trường, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đón bắt đơn hàng quay trở lại. Trong đó, ngành may giữ được đà tăng trưởng với hiệu quả sản xuất kinh doanh cải thiện rõ rệt từ quý 3/2024, không có đơn bị nào bị lỗ trong năm 2024. Ngành sợi đã giảm tới 90% lỗ so với 2023, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với khó khăn kéo dài dẫn đến sản xuất kinh doanh chưa có hiệu quả. Năm nay, ngành sợi dự kiến lỗ 100 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ hơn 700 tỷ đồng.
Với sự quyết liệt, nhiều đổi mới tích cực trong công tác điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động trong toàn hệ thống, Vinatex bảo toàn được nguồn lực cốt lõi là lao động và khách hàng, vượt qua khó khăn năm 2024 với kết quả doanh thu hợp nhất ước đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8% so với năm 2023; Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5% so với năm 2023; Thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023. Theo thống kê sơ bộ, lương tháng 13 và thưởng Tết cho người lao động trong hệ thống ước bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người, tương đương 1,5 - 2 tháng lương.
So với các đối thủ cạnh tranh, Việt Nam đang là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong các nước xuất khẩu dệt may khoảng trên 10% và dự kiến đến cuối năm 2024 tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ cán đích gần 44 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam vượt trên Ấn Độ về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may khi nước này đạt gần 7%. Trung Quốc có tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng là 273,4 tỷ USD, chỉ tăng 2%; đối thủ Bangladesh tăng trưởng xuất khẩu giảm và chỉ xuất được 27,7 tỷ USD.
Năm 2025 tới, tín hiệu tăng trưởng thị trường dệt may tốt hơn khi thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU phục hồi kinh tế, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện với triển vọng cho ngành dệt may tốt hơn. Do đó, dự báo xuất khẩu nửa đầu năm tới tích cực. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành này cũng nhìn nhận, dù biến động chính trị đang ảnh hưởng đến Bangladesh, nhưng nước này cũng phục hồi đơn hàng xuất khẩu nhanh, bởi dệt may là ngành đóng góp ngoại tệ xuất khẩu lớn của họ.
Do đó, về dài hạn, năm tới sẽ không còn nhiều dư địa khai thác đơn hàng dịch chuyển từ nước này, chưa kể phần lớn đơn hàng chảy về từ năm tới sẽ không còn nhiều dư địa khai thác nguồn hàng dệt may đều có giá trị không lớn. Thêm nữa, các doanh nghiệp dệt may cũng đang "nóng lòng" theo dõi chính sách của Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ, Donald Trump lên nắm quyền điều hành. Theo đó, Mỹ có thể thực hiện chính sách thuế mới với Trung Quốc lên tới 60%, một số nước từ 10-20%. Với khả năng đó, Việt Nam có khả năng chịu thêm 10% thuế với hàng hoá xuất khẩu vào thị trường này.
Về xuất khẩu dệt may nói chung trong năm tới, Vinatex nghiên về dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm 2025 đạt 850 tỷ USD. Xuất khẩu dệt may Việt Nam năm sau có thể đạt 45,5 – 46 tỉ USD, tăng 5 - 6% so với năm nay.
Năm 2025 được coi là kỷ nguyên mới của Vinatex – kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước và dân tộc. Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, Vinatex đặt mục tiêu phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột môi trường – xã hội – quản trị và tài chính (ESGF), có vị thế vững chắc trong các chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, sở hữu những sức mạnh cạnh tranh riêng thông qua ứng dụng công nghệ mới và sản phẩm đặc biệt, có văn hoá doanh nghiệp kết hợp chọn lọc giữa truyền thống nhân văn của các thế hệ đi trước và khoa học, hiện đại hướng đến người lao động./.