Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngăn ngừa hành vi phạm tội của đối tượng “nghiện game”

Thứ Bảy, 22/04/2023 13:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Các vụ án liên quan đến những đối tượng “nghiện game” đang tạo lên những lo lắng trong dư luận xã hội. Đã đến lúc coi "nghiện game" là một vấn đề đáng báo động. Theo các chuyên gia, để ngăn ngừa hành vi phạm tội của đối tượng “nghiện game”, cần có sự chung tay của gia đình, xã hội và các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục và xử lý nghiêm các vi phạm.

Mới đây, Công an Thành phố Hà Nội vừa bắt giữ đối tượng Trương Việt Hùng, SN 1988, trú Thanh Châu A, TP Phủ Lý, Hà Nam để điều tra hành vi giết người, cướp tài sản. Thông tin cho biết, ngày 15/4, cơ quan chức năng phát hiện một phụ nữ tử vong trong xe ô tô ở dưới tầng hầm để xe của một chung cư trên địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Nạn nhân được xác định là chị Q, thường trú tại phường Bồ Đề.

Quá trình rà soát điều tra, đến tối 16/4, Ban chuyên án đã xác định và bắt giữ nghi phạm Trương Việt Hùng khi đang lẩn trốn tại nhà ở tỉnh Hà Nam. Bước đầu, Hùng khai nhận, đối tượng và chị Q có quan hệ quen biết. Sau nhiều lần Hùng và chị Q xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau, Hùng nảy sinh ý định sẽ sát hại chị Q. Khoảng 7h sáng 12/4, Hùng đến tòa nhà chung cư nơi chị Q. sinh sống. Khi thấy chị Q. đến vị trí đỗ xe ô tô, đối tượng đã đứng phía sau siết cổ chị đến chết. Sau đó, Hùng đã kéo chị Q. vào xe ô tô rồi lái xe sang bên kia cầu Đông Trù. Hùng đã chiếm đoạt 16 triệu đồng của chị Q. rồi nạp vào tài khoản để chơi game. Hùng tiếp tục lái xe ô tô đến một chung cư trên địa bàn quận Long Biên cất giấu xe và xác chị Q. tại hầm để xe rồi bỏ đi. Dến sáng 13/4, Hùng bắt xe về Hà Nam để chơi game và nghỉ tại đây. Đến ngày 16/4, đối tượng đang đi lang thang ở Quốc lộ 1A thì bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ.

Đối tượng Trương Việt Hùng. (Ảnh: CQCA)

Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn An Bình (Đoàn Luật sư Thành phố hà Nội) cho biết, đây là hành vi giết người có tính chất côn đồ, bởi vậy đối tượng Trương Việt Hùng sẽ bị xử lý hình sự về tội “Giết người” và có thể đối mặt với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo điểm g khoản 1 Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015. Bên cạnh đó, do sau khi ra tay sát hại nạn nhân, nghi phạm còn chiếm đoạt 16 triệu đồng là tài sản của chị Q. nên nghi phạm Hùng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp tài sản” theo điểm c khoản 4 Điều 168, Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Từ diễn biến vụ án có thể thấy, nghi phạm Trương Việt Hùng có những biểu hiện của một người “nghiện game” khi lập tức chìm đắm vào thế giới ảo ngay sau khi gây tội ác trong đời thực. Thực tế đây không phải là lần đầu xuất hiện vụ án liên quan đến nghi phạm “nghiện game”, đặc biệt là game bạo lực. Theo nhiều chuyên gia, việc “nghiện game” sẽ gây ra những hệ lụy xấu bởi các trò chơi gây nghiện thường phải nạp tiền thật để chơi. Người “nghiện game” không dành thời gian cho lao động, học tập, làm việc nên không có thu nhập. Để có tiền chơi game, một số người sẽ tìm cách bất hợp pháp, vi phạm pháp luật như: trộm cắp, cướp giật tài sản, tước đoạt tính mạng của người khác… chỉ để thỏa mãn nhu cầu của bản thân.

Nguy hiểm hơn, đã có những vụ án người phạm tội lấy ý tưởng từ game. Những trò chơi, hành động trên các game đã trở thành “gợi ý” cho nhiều đối tượng thực hiện các vụ bắt cóc, giết người dã man. Các hành vi này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự xã hội. Việc “nghiện game” không chỉ ảnh hưởng tới xã hội, mà còn khiến cho chính bản thân người nghiện game cũng rơi vào trạng thái không phân định được thế giới ảo và thật, mất kiểm soát hành vi, cảm xúc ở cuộc sống thật, nên dễ dẫn đến các hành vi sai trái, bạo lực. Không ít người trẻ tuổi đã mắc các bệnh rối loạn tâm thần xuất phát từ việc “nghiện game”.

Cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh game online để phòng ngừa tội phạm. (Ảnh minh họa: Đình Hợp)

Thiết nghĩ, đã đến lúc coi "nghiện game" là một vấn đề đáng báo động. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, để ngăn chặn xu hướng “nghiện game” tăng cao trong giới trẻ, góp phần ngăn ngừa hành vi phạm tội của đối tượng “nghiện game”, cần có sự chung tay của gia đình, xã hội và các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục gắn với những biện pháp chế tài xử lý phù hợp.

Trước hết, cần tăng cường việc quản lý của gia đình, nhà trường đối với thanh, thiếu niên. Các bậc phụ huynh cần quan tâm, kiểm soát khi con sử dụng điện thoại, chơi điện tử trực tuyến. Đồng thời, sớm nắm bắt, phát hiện những dấu hiệu "nghiện game" của con trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Các nhà trường cần tăng cường những hoạt động, chương trình như: dã ngoại, vận động, thể thao... Từ đó, tạo cho học sinh, sinh viên những sân chơi bổ ích; hạn chế việc tìm đến các trò chơi gây hại. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, có những diễn đàn, hoạt động lành mạnh, giúp các em tránh xa vấn nạn game online.

Đặc biệt, một biện pháp quan trọng khác là các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu, tăng cường những biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh liên quan đến các loại game. Trọng tâm là cần nghiêm cấm các doanh nghiệp phát hành các game có nội dung gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn, kích động bạo lực, kích thích dâm ô, trụy lạc, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; miêu tả các hành động tự tử, sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc, khủng bố, hành động ngược đãi, xâm hại, buôn bán trẻ em, đánh bạc và các hành vi pháp luật không cho phép...

Chính quyền các địa phương và các ngành chức năng cần đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong học đường một cách thiết thực, hiệu quả. Chú trọng tuyên truyền về những hệ lụy, tác hại từ việc “nghiện game”. Cơ quan công an các địa phương cần tăng cường sự kết nối với gia đình, nhà trường, các đoàn thể chính trị xã hội để ngăn chặn tệ nạn “nghiện game” trong giới trẻ. Đó cũng là giải pháp góp phần ngăn chặn hành vi phạm tội, ngăn chặn các vụ việc thương tâm do những đối tượng “nghiện game” gây ra./.

Phạm Minh Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN