Ngăn chặn tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch
(ĐCSVN) - Cùng với quá trình đô thị hóa, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch dự án bất động sản đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Hệ quả là, lợi nhuận của chủ đầu tư tăng lên nhưng đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
Hà Nội là một trong những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước, đồng thời cũng là nơi điển hình về việc điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch dự án bất động sản. Có thể kể là đến Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Theo Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 1998, Khu đô thị này có mật độ xây dựng 34,88%, dự án có 8 tòa nhà cao trung bình 6,7 đến 7,5 tầng. Song đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện mật độ xây dựng ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đã tăng lên hơn 50% với 16 tòa nhà cao từ 17 đến 34 tầng. Các tiện ích chung, khu đất công cộng của cư dân bị thu hẹp dần, quy mô dân số tăng cao đã gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng.
Nhiều lần điều chỉnh quy hoạch đã gây ra nhiều hệ lụy tại khu vực đường Lê Văn Lương. (Ảnh: Lê Quân). |
Cũng tại Hà Nội, mới đây, Kết luận thanh tra 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm dẫn tới tăng diện tích xây dựng, số tầng và dân số tại khu vực hai bên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Theo nội dung Kết luận thanh tra, UBND TP Hà Nội và cơ quan chuyên môn đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật cho từng dự án theo xu hướng chuyển đổi công năng sử dụng đất từ công cộng thành công cộng văn phòng, công cộng văn phòng nhà ở; chuyển từ thấp tầng lên cao tầng; tăng thêm diện tích sàn, có dự án tăng từ 5 thành 30 tầng; giảm bớt cây xanh, tăng hệ số sử dụng đất, giảm các công trình hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học…
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc điều chỉnh quy hoạch không chỉ có ở Hà Nội mà còn diễn ra tại nhiều địa phương khác. Cho đến nay, nhiều chuyên gia vẫn còn nhắc đến con số 1.390 quy hoạch bị điều chỉnh từ 1 đến 6 lần mà Đoàn giám sát của Quốc hội đã thực hiện giám sát báo cáo trước Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2019, chủ yếu là quy hoạch điều chỉnh tăng tầng cao, giảm diện tích, đất công trình, hạ tầng kỹ thuật. Kết quả giám sát được thực hiện trong phạm vi 12 tỉnh, thành phố với 40 dự án đô thị.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch, song hệ quả chung của việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện đó là dẫn đến việc gia tăng dân số, gia tăng áp lực đối với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông… Đặc biệt là tình trạng tắc đường, úng ngập, ô nhiễm không khí, mất an toàn cháy nổ, không gian sống ngột ngạt,…
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam. (Ảnh: Vũ Cúc). |
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, vấn đề cần lưu tâm trước hết đó là nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch. Nói cách khác, quy hoạch được xây dựng cần có tính đón đầu, có tầm nhìn xa về sự phát triển của từng địa phương. Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, sự hình thành các đô thị đã mang lại diện mạo mới cho các đô thị lớn, nhưng đi kèm với đó là tình trạng phát triển tự phát, phong trào, không theo quy hoạch hoặc phá vỡ quy hoạch còn diễn ra phổ biến. Việc liên tục điều chỉnh quy hoạch cho thấy công tác quy hoạch chưa thể hiện sự đi trước đón đầu, tầm nhìn xa trông rộng, gắn với kế hoạch phát triển dài hạn. Vì vậy, ngay từ khi xây dựng quy hoạch đô thi, quy hoạch dự án, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư cần tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về xây dựng, thẩm định quy hoạch trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên có liên quan. Cần chú trọng việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư góp ý vào quy hoạch theo quy định, bảo đảm đúng đối tượng, khách quan, chính xác. Trong lập quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch, cần bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và cộng đồng.
Đặc biệt, một số chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của các số liệu về dân số trong quản lý việc thực hiện quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phải quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn các số liệu về dân số để có cơ sở giám sát việc thực hiện quy hoạch cũng như điều chỉnh quy hoạch, khi cần thiết. Bởi số liệu dân số là chỉ tiêu quan trọng để tính toán hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội khi xem xét điều chỉnh quy hoạch, từ đó giúp quản lý quy hoạch hiệu quả hơn. Theo ông Ngô Trung Hải, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, nếu sử dụng bộ chỉ số về mật độ cư trú thì không thể “nén” một lượng dân quá lớn vào trong một dự án như vậy; cùng với đó là cần đánh giá tác động về giao thông sau khi điều chỉnh quy hoạch. Với những trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch, cơ quan chức năng phải lên kế hoạch tham vấn các bên liên quan một cách bài bản, sau đó dự thảo quy hoạch điều chỉnh cần được công khai để cộng đồng, các tổ chức, cá nhân giám sát, theo dõi.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường. (Ảnh: Thanh Xuân). |
Trao đổi về việc điều chỉnh quy hoạch, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, GS Đặng Hùng Võ nhìn nhận, một thực tế hiện nay đang diễn ra khiến những người quan tâm đến công tác quy hoạch cảm thấy trăn trở là việc điều chỉnh quy hoạch diễn ra vô tội vạ, tràn lan, phục vụ mục tiêu, lợi ích của các nhà đầu tư mà ít quan tâm đến lợi ích của người dân… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc, phản ứng của người dân sau khi quy hoạch bị điều chỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định pháp luật hiện hành. Theo đó, phải sửa đổi các điều luật quy định về điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng có nội dung cụ thể, rõ ràng. Một dự án muốn chứng minh về tính hiệu quả về kinh tế - xã hội để được điều chỉnh công năng phải được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan chuyên môn có chức năng liên quan và phản biện xã hội rộng rãi.
Đồng thời, cần bổ sung chế tài liên quan đến trách nhiệm người ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trái quy định. Luật sư Trần Văn Thành (Nghệ An) cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Điều 244 BLHS để có căn cứ truy trách nhiệm hình sự người ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng và điều chỉnh quy hoạch xây dựng trái pháp luật. Việc gắn trách nhiệm cho người đứng đầu trong sai phạm về điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch đô thị cũng cần phải rõ ràng, cụ thể. Người buông lỏng quản lý, người ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trái luật phải bị xử lý nghiêm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về chữ ký của mình. Và nếu chỉ “rút kinh nghiệm” thì không thể ngăn chặn được tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch.
Cùng với sự phát triển của xã hội và quá trình đô thị hóa, quy hoạch đô thị, quy hoạch các dự án không phải là bất biến. Song, cần hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch; quy hoạch chỉ được điều chỉnh khi thực sự cần thiết, trên cơ sở phù hợp với yêu cầu của thực tế xã hội. Đồng thời trong mọi hoàn cảnh, việc điều chỉnh quy hoạch phải dựa trên nguyên tắc cốt lõi là hướng tới lợi ích và chất lượng cuộc sống của cộng đồng, xã hội; tôn trọng lợi ích và cuộc sống của số đông người dân./.