Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng tầm sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận

Thứ Ba, 25/07/2023 09:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Sân chơi OCOP và các sản phẩm chất lượng cao sẽ là điều kiện để các sản phẩm nông nghiệp tại Bình Thuận có cơ hội vươn ra thị trường thế giới.

Bình Thuận được đánh giá là vùng có nhiều sản phẩm đặc sắc gắn với nền nông nghiệp phong phú đa dạng từ miền núi đến vùng biển, hải đảo. Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm mang tính cộng đồng, sản phẩm chế biến sâu, chủ lực có lợi thế ở các địa phương, triển khai các mô hình xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, hướng đến kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ như là một mục tiêu chung.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, dù triển khai muộn hơn so với các địa phương khác trong cả nước, song sau 3 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Bình Thuận đã đạt được những dấu ấn tích cực; trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận có 70 sản phẩm được công nhận sao OCOP. Trong đó, có 34 sản phẩm được công nhận 3 sao, 34 sản phẩm được công nhận 4 sao và 02 sản phẩm được công nhận 5 sao. Các sản phẩm được công nhận OCOP của tỉnh chủ yếu là nước mắm; rong nho; nước ép thanh long; rượu vang thanh long; thanh long sấy; hải sản…

Việc triển khai thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã có hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, hiện nay khả năng mở rộng quy mô sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn hạn chế, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục; các sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu là sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp; việc áp ứng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số, thương mại điện tử còn rất hạn chế. Nhìn chung các hoạt động liên quan đến sản phẩm OCOP tại Bình Thuận đa phần là nhóm sản phẩm có quy mô nhỏ, đa dạng về chủng loại, có tính chuyên biệt cao nên khả năng mở rộng quy mô hạn chế, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục. Các sản phẩm của những chủ thể ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường tại Bình Thuận do điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế, nhân lực vẫn còn hạn chế…

Quầy hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Hữu Phướch/danviet)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển thêm ít nhất từ 80 - 130 sản phẩm OCOP mới; xây dựng thêm 03 điểm du lịch cộng đồng và có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào kênh bán hàng hiện đại. Trong năm 2023, tỉnh Bình Thuận phấn đấu có thêm ít nhất 20 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, nâng cao chất lượng các sản phẩm tiềm năng; đồng thời hỗ trợ ít nhất 2 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Để đạt được mục tiêu đề ra, để OCOP có những bước tiến vững chắc, tỉnh Bình Thuận cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. Cụ thể, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến sâu nhằm phấn đấu có từ 3 - 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp Quốc gia; nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh từ 3 sao lên thành 4 sao và 5 sao; hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về Chương trình OCOP trên phạm vi toàn tỉnh cho các chủ thể tham gia OCOP; tổ chức khảo sát, đánh giá và tư vấn để các chủ thể nâng cấp sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP để đạt từ 3 đến 5 sao cấp tỉnh...

Đặc biệt là tuyên truyền cho người dân và đội ngũ cán bộ quản lý hiểu về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP; hiểu rõ bản chất của chương trình và nắm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện chương trình, từ đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Song song với việc tạo điều kiện để các sản phẩm đạt chứng nhận, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá giúp sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử. Hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ để đưa sản phẩm vào các hệ thống bán lẻ như: Co.opmart; BigC, LotteMart,… Tổ chức cho các chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP, hướng đến xuất khẩu. Tổ chức cho chủ thể và cán bộ quản lý Chương trình OCOP các cấp học tập, trao đổi kinh nghiệm đối với địa phương có các mô hình nổi bật về triển khai Chương trình OCOP như du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn…

Đặc biệt, vào tháng 9 tới, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ tổ chức Hội chợ triển lãm Công thương - Sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2023. Theo đó, Hội chợ triển lãm có quy mô dự kiến từ 250 - 300 gian hàng bao gồm các khu vực như giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh; khu sản phẩm chủ lực, OCOP, nông thôn tiêu biểu; sản phẩm đặc trưng, OCOP, tiêu biểu các tỉnh, thành bạn… Ngoài ra, đề xuất thêm khu đặc sản địa phương, quà tặng và sản phẩm du lịch. Đây là cơ hội để sản phẩm OCOP đến gần hơn với tiêu dùng; đồng thời giúp các chủ thể tăng cường giao lưu, kết nối giao thương; mở rộng sản xuất.

H.N (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN