Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng tầm địa vị pháp lý của công tác dân nguyện

Thứ Ba, 21/03/2023 16:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Để đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác dân nguyện, việc nâng tầm địa vị pháp lý của công tác dân nguyện có vai trò quan trọng. Đây là quan điểm của nhiều đại biểu tham dự tọa đàm "Công tác dân nguyện của Quốc hội: Đổi mới, hiệu lực, hiệu quả” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 21/3.

Các khách mời tham gia tọa đàm. (Ảnh: TT) 

Trao đổi tại tọa đàm, các khách mời: Ông Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; ông Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị; ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đều nhấn mạnh hoạt động dân nguyện có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Quốc hội, góp phần vào việc phản ánh đầy đủ, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội. Bởi, thông qua hoạt động dân nguyện để Quốc hội lắng nghe, thu thập được ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, nắm bắt những phản hồi từ Nhân dân phục vụ cho việc hoạch định chính sách, pháp luật. Đây cũng chính là cơ chế để Quốc hội thông qua đó làm tốt chức năng giám sát, bảo đảm chính sách, pháp luật đi vào cuộc. Qua đó, không ngừng phát huy quyền làm chủ mọi mặt của Nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

Nhấn mạnh công tác dân nguyện của Quốc hội cần được tiếp tục quan tâm, các ý kiến cho rằng cơ quan chuyên môn thực hiện công tác dân nguyện cần được luật hóa và xác định đúng vị trí pháp lý trong bộ máy Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường Quốc hội, chia sẻ, qua việc nắm bắt nguyện vọng của người dân, đặc biệt khi thực hiện sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, nhận thấy Nhân dân có mong muốn công tác dân nguyện phải được ghi nhận, luật hóa và nâng tầm lên. Nhiều đại biểu Quốc hội Khóa XIV cũng đặt ra vấn đề này. Ông nhấn mạnh, việc nâng tầm công tác dân nguyện có vai trò vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Thực hiện chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Dân nguyện đang xây dựng Đề án để báo cáo Đảng đoàn Quốc hội về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện trong tình hình mới, và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Song song với đó, Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ban Dân nguyện chủ trì nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến tiếp công dân, đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo, giám sát thực hiện kiến nghị của cử tri… “Đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác dân nguyện trong thời gian tới” - ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cũng nhấn mạnh, trước hết cần nhận thức về vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của công tác dân nguyện… "Công tác dân nguyện phải hiểu thuộc về thể chế chính trị chứ không phải hoạt động thông thường. Do đó, phải được thể chế hóa bằng hệ thống lý luận về mặt khoa học và tính pháp lý đầy đủ, chứ không thể nói theo cảm tính, cảm nhận. Hiện nay, chưa có quy định rõ ràng về công tác dân nguyện" - ông bày tỏ.

Cũng theo ông Hoàng Đức Thắng, cần khẩn trương xây dựng quy trình nghiệp vụ hướng dẫn về công tác dân nguyện. Bởi lẽ, công tác dân nguyện là hoạt động mang tính nghiệp vụ chuyên sâu, liên quan đến nhiều lĩnh vực, chi phối bởi nhiều đạo luật đòi hỏi đại biểu Quốc hội, bộ phận văn phòng giúp việc phải có kiến thức, phương pháp, nghiệp vụ khoa học; đồng thời, cũng là hoạt động đòi hỏi cần có kỹ năng tiếp dân, đối thoại với Nhân dân… Bên cạnh đó, cần xây dựng tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác dân nguyện (của các cơ quan dân cử). Đội ngũ cán bộ làm công tác dân nguyện phải được đào tạo, tuyển chọn những đồng chí có nhận thức pháp luật và có kinh nghiệm.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, phải nâng cao địa vị pháp lý của Ban Dân nguyện, về mặt thể chế Ban Dân nguyện phải vận hành khác và các Ủy ban của Quốc hội phải vận hành khác. "Phải thành lập Ủy ban Dân nguyện là một thiết chế chính trị thì mới xử lý những mảng lớn hơn của công tác dân nguyện" - ông nói.

Mặt khác, theo ông, một trong những nhiệm vụ của Ban Dân nguyện hiện nay là nâng cao năng lực, tập huấn cho các đại biểu để xử lý vấn đề ngay ở cơ sở. Bởi đa số những kiến nghị, mong muốn của từng cá nhân rất nhỏ, nếu dồn hết về cơ quan Trung ương sẽ không thể xử lý hết được. Do đó, việc tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực cho đại biểu Quốc hội là một phần nhiệm vụ của Ban Dân nguyện. Để tăng tính hiệu quả, Quốc hội không chỉ dành thời gian để nghe đọc báo cáo của Ban Dân nguyện mà còn phải nghe những khuyến nghị của dân nguyện...

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, cũng phân tích, nếu như công tác dân nguyện được đặt trong một cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chỉ hoạt động đúng theo chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; còn nếu là Ủy ban của Quốc hội thì vị thế, địa vị pháp lý sẽ cao hơn. Việc nâng cao địa vị pháp lý không chỉ là nâng cao thẩm quyền, địa vị của công tác dân nguyện, của Ủy ban Dân nguyện mà còn nâng cao vị thế, chất lượng và tổ chức đội ngũ của Ủy ban này. Đó là cùng với các Ủy ban khác là đầu mối để thực hiện công tác dân nguyện. Nhấn mạnh điều này, ông cho rằng việc nâng cấp Ban Dân nguyện nên tập trung vào trong 9 chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt là tập trung vào các khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 8 của Nghị quyết 1156/2016/UBTVQH13./.

Tú Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN