Năng lượng của ASEAN: Tăng tốc năng lượng sạch ở Việt Nam và Indonesia
(ĐCSVN) - Chi phí xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời và năng lượng gió mới tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện rẻ hơn điện than và điện khí, cho phép khu vực này đẩy nhanh quá trình chuyển đổi để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, cùng với các cải cách chính sách đúng đắn.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa điện mặt trời thắp sáng nơi đảo xa. Ảnh: Kinhtedothi.vn |
Một phân tích được công bố hôm nay (20/10) của Nhóm Nhà đầu tư về Biến đổi Khí hậu tại Châu Á (AIGCC) đã cho thấy, chi phí xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời và năng lượng gió mới tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện rẻ hơn điện than và điện khí, cho phép khu vực này đẩy nhanh quá trình chuyển đổi để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, cùng với các cải cách chính sách đúng đắn.
Tuy nhiên, phân tích cũng cho thấy rằng, nếu không thực hiện các động thái trong lĩnh vực năng lượng thay thế, gần một nửa nhu cầu năng lượng gia tăng từ năm 2020 đến năm 2030 dự kiến sẽ được đáp ứng bằng điện than, bất chấp các cam kết của các chính phủ ASEAN về việc chuyển đổi năng lượng tổng hợp của họ sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Báo cáo Phân tích hệ thống năng lượng - được thực hiện bởi công ty tư vấn WaterRock Energy Economics cho AIGCC - cung cấp một cái nhìn sâu hơn về thị trường điện ở Indonesia và Việt Nam bởi chúng sẽ chiếm hơn 70% lượng khí thải carbon dioxide (CO2) gia tăng ở ASEAN trong thập kỷ này.
Dựa trên khung giá trị tổng thể có cân nhắc đến tính bền vững, chi phí và an ninh, các giả định về việc sản xuất năng lượng tổng hợp thay thế được đặt ra nhằm tối ưu hóa chi phí, tùy theo nhu cầu.
Trong số những phát hiện, báo cáo cho thấy:
- Sự thâm nhập sâu hơn của năng lượng mặt trời và năng lượng gió có thể làm giảm chi phí hệ thống trung bình ở Indonesia và Việt Nam, đồng thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và không ảnh hưởng đến sự ổn định của nguồn cung cấp điện.
- Một cách tiếp cận tích cực hơn để triển khai năng lượng tái tạo, được hỗ trợ bởi các nỗ lực cải cách thị trường và hiệu quả năng lượng, có thể khiến cho lượng phát thải CO2 của ngành điện chạm đỉnh sớm hơn vào năm 2025 ở Indonesia và năm 2027 ở Việt Nam.
- Các rào cản chính vẫn còn – điều này yêu cầu cần có hành động chính sách, sự tham gia của các bên liên quan và các giải pháp sáng tạo.
- Trong điều kiện hiện tại, phát thải khí nhà kính sẽ tiếp tục gia tăng trong lĩnh vực năng lượng của ASEAN với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 4,2%, điều này cho thấy sự lệch lạc so với xu hướng trung hòa cacbon trên toàn cầu.
Giám đốc điều hành AIGCC, Rebecca Mikula-Wright, cho biết: “Trong thập kỷ qua, thị trường điện ASEAN đã tăng trưởng gần 5% mỗi năm để đạt được quy mô thị trường xấp xỉ như Nhật Bản. “Các nguồn tài nguyên cho năng lượng tái tạo của ASEAN vẫn chưa được tận dụng. Với dự báo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cùng vị trí địa lý thuận lợi, các quốc gia ASEAN có tiềm năng tăng trưởng lớn trong lĩnh vực năng lượng sạch.
“Các phát hiện trong phân tích của AIGCC cũng đến vào thời điểm then chốt khi chúng ta đang chứng kiến các hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra của Trung Quốc, điều này nhấn mạnh sự cấp thiết của việc các quốc gia cam kết toàn diện và hướng tới một nguồn năng lượng đa dạng và không phát thải càng sớm càng tốt.
“Bằng cách làm việc với các nhà đầu tư để thực thi các chính sách, các mục tiêu mạnh mẽ và cải cách thị trường, các chính phủ ASEAN có thể mở ra những cơ hội đầu tư to lớn này, từ đó mở ra cơ hội việc làm, tăng trưởng kinh tế và lợi thế cạnh tranh”./.