Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng khống các mặt hàng, chiếm đoạt hơn 220 triệu đồng

Thứ Tư, 06/03/2024 20:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nâng khống các mặt hàng, qua đó chiếm đoạt hơn 220 triệu đồng; Hơn 20 kg nghi chất ma túy trôi dạt vào bờ biển Quảng Bình; Sri Lanka tìm cách xin hoãn trả nợ nước ngoài là những tin đáng chú ý trong ngày 06/3.

Nâng khống các mặt hàng, qua đó chiếm đoạt hơn 220 triệu đồng

Các bị cáo tại phiên xét xử

TAND tỉnh Hải Dương vừa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Mai Xuân Anh, cựu Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hải Dương 5 năm, 6 tháng tù về tội "tham ô" khi cùng thuộc cấp nâng khống giá các gói quà Tết cho công nhân, lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 năm 2021.

Ngày 6/3, TAND tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại LĐLĐ Hải Dương. Ba bị cáo trong vụ án này gồm: Mai Xuân Anh, cựu Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hải Dương; Phạm Thị Nhung và Phạm Dũng, lần lượt là Trưởng ban và Phó ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh Hải Dương).

Theo cáo trạng, năm 2021, LĐLĐ tỉnh Hải Dương tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; tặng quà cho công nhân, lao động trong các khu cách ly tập trung nhân dịp Tết Nguyên đán 2021.

Theo kế hoạch, mức tặng 255.000 đồng/suất cho 3.850 công nhân, lao động và 80.000 đồng/suất cho 100 công nhân, lao động; tặng quà cho 4.500 đoàn viên, người lao động ngoại tỉnh nghỉ việc, ở trọ trong khu vực cách ly phong tỏa dịch COVID-19 (tại Cẩm Giàng) với số quà là 22,5 tấn gạo.

Tổng dự toán hơn 989 triệu đồng, được trích từ nguồn kinh phí xã hội hóa và ngân sách của LĐLĐ tỉnh Hải Dương.

Phạm Thị Nhung đã khảo sát, xây dựng tờ trình thực hiện các gói thầu mua bánh chưng, giò, bánh kẹo, gạo; trực tiếp liên hệ mua bánh chưng, giò. Nhung còn giao Phạm Dũng (Phó ban) liên hệ mua bánh, kẹo, gạo.

Khi thực hiện các gói thầu, Nhung đề xuất nâng giá mua bánh chưng, giò làm quà tặng cho công nhân; thỏa thuận chiết khấu khi mua gạo, bánh kẹo nhưng không ghi trong hợp đồng để rút tiền ngân sách thì được Mai Xuân Anh đồng ý.

Với sự giúp sức của Phạm Dũng, Xuân Anh và Nhung đã thực hiện hành vi nâng khống các mặt hàng, qua đó chiếm đoạt hơn 220 triệu đồng của LĐLĐ tỉnh Hải Dương.

Tại tòa, các bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. HĐXX nhận định, bị cáo Mai Xuân Anh với vai trò Chủ tịch và là chủ tài khoản giữ vai trò chính trong vụ án. Bị cáo Phạm Thị Nhung là người thực hành tích cực, còn bị cáo Phạm Dũng là người giúp sức.

Căn cứ tính chất, mức độ, hành vi, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Mai Xuân Anh 5 năm, 6 tháng tù. Bị cáo Phạm Thị Nhung và Phạm Dũng lần lượt lĩnh 4 năm và 3 năm tù.

Phát hiện hơn 20 kg nghi chất ma túy trôi dạt vào bờ biển Quảng Bình

 20 bánh tinh thể màu trắng nghi là ma túy được lực lượng Biên phòng phát hiện sáng nay-Ảnh TTXVN

Sáng 6/3, từ tin báo của người dân, Đồn Biên phòng Ngư Thủy (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) phát hiện và thu giữ được 20 gói (mỗi gói có trọng lượng hơn 1kg) chứa chất tinh thể màu trắng (nghi là ma túy), trôi dạt vào bờ biển thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, 20 gói chứa tinh thể màu trắng thu được có hình chữ nhật, hình dạng, kích thước giống nhau, được được gói trong một túi nhựa màu đen. Qua kiểm tra, mỗi gói có trọng lượng hơn 1 kg. 

Lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã tiến hành test nhanh số vật thể này, bước đầu xác định dương tính với ma túy. Lực lượng chức năng đã tiếp nhận, thu giữ, điều tra, xác minh, xử lý hiện vật đúng theo quy định của pháp luật.

Lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Bình đang phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm pháp luật, nếu phát hiện đồ vật nghi là ma túy thì báo cáo, giao nộp cho lực lượng chức năng để xử lý theo quy định.

Sri Lanka tìm cách xin hoãn trả nợ nước ngoài đến năm 2028

Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe phát biểu tại phiên họp Quốc hội ở Colombo. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN 

Ngày 6/3, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết ông đang tìm cách xin hoãn nợ nước ngoài đến năm 2028 sau khi chính phủ nước này vỡ nợ trong cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có cách đây 2 năm. 

Phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Wickremesinghe nêu rõ, Sri Lanka vẫn đang đàm phán với các chủ nợ song phương và tư nhân để có thể tái cấu trúc hàng tỷ USD gồm các khoản vay và trái phiếu. Nhà lãnh đạo này cho biết chính phủ dự định đảm bảo được các khoản cứu trợ tạm thời khi không phải trả các khoản nợ cho đến cuối tháng 12/2027.  

Dự trữ ngoại hối sụt giảm khiến Sri Lanka không có đủ khả năng chi trả các đơn hàng nhập khẩu, từ đó quốc đảo này lâm vào tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu trong nhiều tháng. Hàng loạt cuộc biểu tình đã buộc tổng thống khi đó là Gotabaya Rajapaksa phải từ chức vào năm 2022. Kể từ đó, Sri Lanka đã đăng ký nhận gói giải cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và nỗ lực khắc phục vấn đề tài chính công sau khi chính phủ vỡ nợ vào tháng 4 cùng năm.    

Theo số liệu từ ngân hàng trung ương, nợ nước ngoài của Sri Lanka là 52,65 tỷ USD vào cuối tháng 9/2023. Để tiếp tục nhận được chương trình cứu trợ của IMF, quốc đảo Nam Á phải đạt được thỏa thuận chắc chắn với các chủ nợ nước ngoài, gồm cả các trái chủ song phương và trái chủ tư nhân trước đợt đánh giá tiếp theo của IMF về nền kinh tế này vào tháng 6 năm nay. 

Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, IMF đã công bố gói cứu trợ thứ hai trị giá 337 triệu USD sau khi Colombo đạt được thỏa thuận nợ "về nguyên tắc" với Trung Quốc. Tuy nhiên, thể chế tài chính này cho biết họ muốn thỏa thuận "về nguyên tắc" nói trên được củng cố trước đợt xem xét tiếp theo./.

Cẩm Linh (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN