Nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng khi tham gia lễ hội
(ĐCSVN) – Cứ sau mỗi dịp Tết cổ truyền, nhiều nơi trên khắp cả nước lại bước vào mùa lễ hội với ý nghĩa ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc... Các tỉnh, huyện, làng, xã đều rộn ràng mở hội. Tuy nhiên, những hình ảnh phản cảm diễn ra tại một số lễ hội đang đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.
Hỗn loạn cướp hoa tre tại hội Gióng (Hà Nội). (Ảnh: dantri.com.vn)
Trong tâm thức của mỗi người dân Việt, đến với lễ hội trước hết để thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với công đức tiền nhân, tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng; bên cạnh đó là cầu mong mọi điều tốt đẹp, may mắn đến với bản thân, gia đình, quê hương, đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người đi lễ hội dường như không hiểu điều này nên đã vô tình biến những hành vi văn hóa mang ý nghĩa hướng tới chân - thiện - mỹ thành việc “mua bán” với thần thánh. Một trong những biểu hiện của điều này là việc ở khá nhiều lễ hội diễn ra cảnh tượng người ta đua nhau nhét tiền vào tay tượng Phật không khác gì hành vi hối lộ, mặc cả với thần thánh…
Tại một số lễ hội khác còn xảy ra tình trạng đáng báo động hơn khi rất nhiều người đi lễ cho rằng, đến lễ hội là phải “cướp” được lộc mang về với bất cứ giá nào. Với suy nghĩ này, hàng nghìn thanh niên đã bất chấp an toàn tính mạng của bản thân và những người xung quanh để giẫm đạp, xô đẩy, thậm chí đánh nhau để cướp lộc, cướp phết. Tại lễ hội Gióng ở Sóc Sơn (Hà Nội) diễn ra vào mùng 6 Tết Bính Thân (ngày 13/2/2016), nghi thức chính tại lễ hội là rước kiệu hoa tre (được kết từ hàng trăm hoa tre cắm vào thân một cây chuối cao làm trụ). Đây là một vật tượng trưng cho cây gậy tre của Thánh Gióng đánh giặc khi xưa. Khi đoàn rước kiệu hoa tre đến đền Thượng thì hàng trăm thanh niên đã xông vào cướp, bất chấp lực lượng bảo vệ, gây ra một cảnh tượng hỗn loạn. Còn tại lễ hội Hiền Quan (Phú Thọ), diễn ra vào 13 tháng để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa Công Chúa (Đức thánh mẫu Đại vương) nhưng đã trở thành một trận "chiến đấu" ác liệt để tranh cướp phết. Nhiều người bị thương, trong khi đó, giá trị tôn vinh công lao của Thiều Hoa Công Chúa thì chẳng mấy ai chú ý.
Tình trạng cướp lộc, cướp phết đã xảy ra nhiều năm nay. Các nhà nghiên cứu văn hóa cũng như cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng nhấn mạnh rằng tục “cướp lộc, cướp phết” chỉ mang tính tượng trưng trong lễ hội, chứ hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế, nhưng tục lệ này vẫn bị không ít người biến tướng thành "cướp" theo nghĩa đen, dẫn đến cảnh bạo lực không đáng có.
Đến với nhiều lễ hội vừa qua, người ta còn phải chứng kiến tình trạng “chặt chém” khách, hay cảnh phát ngôn thiếu văn hóa, mặt bừng bừng hơi men của người đi lễ... Đây thực sự là những hình ảnh rất phản cảm tại chốn linh thiêng.
Để khắc phục tình trạng trên, đầu năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Sở Văn hóa các tỉnh, thành về vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội. Đây là sự chỉ đạo khá sâu sát và quyết liệt với mong muốn chấn chỉnh các lễ hội, đảm bảo các giá trị văn hóa tốt đẹp. Tuy nhiên chỉ vậy thôi có lẽ vẫn chưa đủ. Để các lễ hội được tổ chức đúng với ý nghĩa cao đẹp, thiêng liêng mà nó vốn có, bên cạnh sự vào cuộc nghiêm túc, có trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội, rất cần nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội, của cả cộng đồng và xã hội đối với những hoạt động có ý nghĩa nhân văn này.
Đã đến lúc các cấp, các ngành, các nhà quản lý cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi phản cảm để các lễ hội phát huy được giá trị văn hóa tâm linh, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc./.