Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao thu nhập vùng đồng bào dân tộc Cống

Chủ Nhật, 29/08/2021 08:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Là một trong hai dân tộc thuộc vùng đồng bào đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), thời gian qua, bà con người Cống ở bản Táng Ngá (xã Nậm Chà) đã được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp Táng Ngá mang một diện mạo mới.

Táng Ngá là bản xa trung tâm nhất của xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu và là địa bàn đồng bào dân tộc Cống sinh sống. Đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn huyện Nậm Nhùn có 97 hộ, gần 300 nhân khẩu sống tập trung ở bản Táng Ngá. Trước đây, thuộc vùng các dân tộc đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ người dân không biết chữ, biết tiếng phổ thông còn cao nên đời sống kinh tế chưa phát triển, việc đi lại của bà con rất khó khăn, nông sản làm ra không đủ ăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, được Nhà nước quan tâm mở đường giao thông, mang điện lưới quốc gia, nước sạch về bản, hỗ trợ xóa bỏ các hủ tục; tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp cuộc sống ngày càng khởi sắc.

Cũng như nhiều hộ dân trong bản, trước đây hoàn cảnh gia đình ông Lò Văn Nêm còn nhiều khó khăn, thiếu tư liệu, kinh nghiệm sản xuất nên đói nghèo cứ đeo bám mãi. Dần nhờ sự quan tâm của chính quyền, hỗ trợ về nguồn vốn, mở lớp dạy nghề, cử cán bộ đến tận nơi hướng dẫn cách chăn nuôi, sản xuất hiệu quả mà kinh tế gia đình ông dần đổi khác. Từ chỗ còn lo ăn từng bữa, đến nay đã có của ăn của để, trở thành hộ khá giả của bản. Ông Nêm cho biết: “Ngày trước gia đình tôi chỉ bám vào mảnh nương trồng lúa, ngô 1 vụ, gia súc nuôi chỉ để lấy sức kéo; đời sống mới dừng lại ở tự cung tự cấp, chưa làm ra giá trị kinh tế. Khi các công trình phục vụ đời sống, sinh kế thoát nghèo được Nhà nước triển khai đầu tư đến với địa phương giúp đổi thay cuộc sống rõ rệt. Được cán bộ hướng dẫn cách làm ăn mới theo hướng hàng hóa, chủ động đầu tư con giống tốt, áp dụng tiến bộ, khoa học giúp tôi chăn nuôi tốt đàn trâu 10 con, đàn dê hơn 20 con và hàng trăm con gia cầm các loại. Đến nay mỗi năm từ chăn nuôi, sản xuất mang về cho gia đình tôi nguồn thu gần 100 triệu đồng”.

Bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, hàng năm đem về cho bà con dân bản từ 28 - 41,7 triệu đồng/hộ tiền chi trải dịch vụ môi trường rừng.

Quan tâm giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, UBND huyện Nậm Nhùn đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào. Các chương trình đầu tư, đề án, dự án kinh tế như: hỗ trợ đời sống, điều kiện sản xuất theo Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” của Chính phủ; phát triển, bảo vệ rừng để hưởng lợi tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; trồng cây công nghiệp… được triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của người dân giúp phát huy tối đa hiệu quả, mở ra nhiều hướng đi làm ăn kinh tế cho bà con.

Trong sản xuất, chính sách hỗ trợ trực tiếp giống, vật tư sản xuất giúp bà con khai hoang tăng diện tích, nhận giống và phân bón chất lượng; các mô hình trình diễn khuyến nông được triển khai đồng bộ giúp bà con áp dụng tốt công việc hàng ngày. Đến nay, cả bản có 19ha nương, 21 ha ruộng lúa, tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt hơn 30 tấn; chăn nuôi chuyển dịch dần sang hướng hàng hóa với tổng đàn vật nuôi gần 500 con (trong đó trâu 270 con, bò 15 con, dê 200 con). Việc chăn nuôi tuân thủ nghiêm quy ước của bản về bảo vệ môi trường, cây trồng. 100% vật nuôi được chăn nuôi tại các bãi chăn thả theo nhóm hộ, có xây dựng chuồng trại, hàng rào bảo vệ quanh bãi.

Phát triển trồng các loại cây công nghiệp, mở ra hướng đi phát triển kinh tế mới, từ năm 2017 đến nay, từ các dự án hỗ trợ của tỉnh, huyện, Nhân dân bản trồng được 38,7ha quế, 21ha cây mắc ca. Nhờ phù hợp chất đất, khí hậu cùng công trồng, chăm sóc đúng theo kỹ thuật yêu cầu giúp tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, hứa hẹn mang lại nhiều giá trị kinh tế. Bản có hơn 7.000ha rừng, bà con ký cam kết bảo vệ rừng, không đốt nương bừa bãi. Thành lập đội xung kích phòng cháy chữa cháy rừng của bản với gần 100 thành viên, chia thành 22 tổ, mỗi tổ 4 - 5 người thường xuyên tuần tra, nắm tình hình và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ” trong mùa cao điểm. Bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, hàng năm đem về cho bà con dân bản từ 28 - 41,7 triệu đồng/hộ tiền chi trải dịch vụ môi trường rừng.

Cùng với hỗ trợ về phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, y tế, văn hóa đến đồng bào Cống cũng được huyện Nậm Nhùn triển khai đồng bộ, giúp bà con “an cư lạc nghiệp”. Đồng chí Vũ Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn) cho biết: “Nâng cao đời sống kinh tế cho đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn, xã đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đến bà con. Trong quá trình thực hiện hỗ trợ, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học, cây con giống mới vào sản xuất tạo nhiều giá trị kinh tế. Ngày càng xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trong đồng bào dân tộc Cống, khẳng định hiệu quả tích cực của các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế do Nhà nước, chính quyền địa phương triển khai đến bà con”.

Có thể khẳng định, sự tích cực chủ động trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế của cán bộ, đảng viên và người dân đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Khánh Vy

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN