Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao số lượng, chất lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 23/12/2022 09:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới hiện còn gặp khá nhiều khó khăn, bởi theo các chuyên gia, lực lượng tác giả trẻ ngày càng mỏng, rất nhiều dân tộc có dân số đông, có bề dày văn hoá phong phú nhưng không có tác giả trẻ sáng tác.

Lực lượng sáng tác mỏng và bị “già hóa”

Việc đưa văn học nghệ thuật về với cộng đồng, đặc biệt là về vùng sâu vùng xa giúp những cái hay, cái đẹp của vốn quý vốn dĩ của người dân tộc thiểu số qua cảm quan của nghệ sĩ sẽ đẹp hơn, có giá trị thẩm mỹ hơn. Khi đưa các tác phẩm trở về để người dân tộc thiểu số cảm nhận, họ nhận ra được những điều bình thường hàng ngày của họ đẹp hơn, có giá trị hơn, từ đó có ý thức gìn giữ, phát huy. Ngoài ra, những tác phẩm văn hóa nghệ thuật tiếp tục truyền bá, bồi dưỡng tri thức, tâm hồn cho người đồng bào dân tộc thiểu số.

Ảnh minh họa.

Tại Hội thảo khoa học “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới” do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (Hội VHNT các DTTSVN) tổ chức nhằm đánh giá những thành tựu cũng như những mặt tồn tại trong những năm qua để xác định các định hướng phát triển trong thời kỳ mới, ông Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, qua 15 năm thực hiện nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Hội VHNT các DTTSVN đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng sáng tác văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, trong đó đã tích cực tổ chức hàng trăm chuyến đi thực tế, bồi dưỡng sáng tác cho hơn 30 lớp cho các tác giả trẻ, khích lệ hội viên sáng tạo nhiều công trình, tác phẩm.

Đến nay, nhiều tác giả đã đoạt giải trong nước và quốc tế, các tác phẩm xuất sắc đều thể hiện thành công cả hình thức và nội dung, nhưng trên hết là yếu tố văn hoá. Đây chính là yếu tố quan trọng nhắc nhở tác giả trẻ về sự tiếp thu có chọn lọc, kết hợp khéo léo giữa cái mới và bản sắc truyền thống dân tộc.

Băn khoăn về những khó khăn trong việc sáng tác văn học nghệ thuật các dân tộc thời kỳ đổi mới, ông Cao Duy Sơn cho rằng công cuộc xây dựng đất nước hiện nay đòi hỏi những người viết phải có kiến thức mới, hiểu biết mới về thời đại đang biến động nhanh chóng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, tri thức và tư duy. Cái khó của các văn, nghệ sĩ, nhà sáng tác phải đổi mới mình, nắm bắt tâm lý của thời đại để phản ánh trong tác phẩm văn học nghệ thuật.

Cùng việc định hình phong cách viết trong thời đại mới, một số đại biểu cũng băn khoăn về thực trạng “già hoá” trong Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, lực lượng tác giả trẻ ngày càng mỏng, rất nhiều dân tộc có dân số đông, có bề dày văn hoá phong phú nhưng không có tác giả trẻ sáng tác.

Thúc đẩy lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số

Theo ông Nông Quang Khiêm, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái, việc thu hút sự tham gia của các tác giả trẻ là việc cấp thiết. Ông đưa ra một số sáng kiến như: Hội tổ chức nhiều chương trình, hoạt động phong phú hơn nữa như mở thêm các trại sáng tác, mở thêm các cuộc thi viết, thi sáng tác, mở thêm các lớp bồi dưỡng văn học, các cuộc tọa đàm, cũng có thể tổ chức những cuộc tọa đàm trực tuyến, vừa không tốn kém mà lại mang lại hiệu quả, từ đó có thể khuyến khích, phát hiện thêm các tác giả trẻ dân tộc thiểu số.

Tổ chức các trại sáng tác nhằm nâng cao chất lượng, số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số .

Nhằm nâng cao chất lượng của các tác phẩm văn học, nghệ thuật đậm chất dân tộc trong thời đại mới, PGS.TS Trần Thị Việt Chung, trường Đại học Thái Nguyên cho rằng cần thực hiện 3 nhánh giải pháp để phát huy vai trò, nhiệm vụ của công tác nghiên cứu lý luận và phê bình trong giai đoạn phát triển mới của đời sống văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay. Đó là, củng cố xây dựng đội ngũ những người làm nghiên cứu lý Luận phê bình văn học dân tộc thiểu số ngày càng đông đảo hơn, trẻ hơn, có sự am hiểu sâu sắc về bản sắc văn hóa các tộc người dân tộc thiểu số Việt Nam; tổ chức nhiều cuộc hội thảo hơn nữa về tác giả tác phẩm văn học, cụ thể được đánh giá cao như là đạt giải thưởng Nhà nước giải thưởng của Hội Nhà văn, giải thưởng ASEAN. “Cần tạo điều kiện, đầu tư một cách xứng đáng hơn đối với những người làm công tác nghiên cứu lý uận, phê bình văn học nói chung văn học dân tộc thiểu số nói riêng, về cả tinh thần và vật chất. Ví như có chế độ đặt bài, chế độ viết các công trình nghiên cứu luận, phê bình với mức chi nhuận bút xứng đáng” - PGS.TS Trần Thị Việt Chung kiến nghị.

Các đại biểu cũng đề xuất cơ chế tài chính thoả đáng, ổn định để tạo điều kiện cho Hội phối hợp với các tổ chức trong nước và nước ngoài giới thiệu, phổ biến những tác phẩm xuất sắc tới đông đảo quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế, tạo động lực cho các tác giả sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại Đại hội VI, nhiệm kỳ 2019 - 2024 của Hội Văn học,nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhận định: “Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số không chỉ là nhiệm vụ riêng và trực tiếp của đồng bào các dân tộc và những người hoạt động sáng tạo văn hóa là người dân tộc mà là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân ta. Do đó, cấp ủy đảng các cấp, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương, các hội văn học, nghệ thuật trung ương và địa phương... cần chủ động tạo điều kiện thuận lợi nhất, dành sự quan tâm và nguồn lực xứng đáng, cần thiết cho hoạt động văn học nghệ thuật, hoạt động văn hóa đúng với phương châm “kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần..., góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Để thực hiện chỉ đạo trên, phải có một chiến lược lâu dài, kế hoạch cụ thể và sự chỉ đạo sâu sát của các cấp, ngành thì công tác này mới thực sự hiệu quả và khả thi, trong đó có sự quan tâm của đầu tư của các cấp lãnh đạo và trách nhiệm của các văn nghệ sĩ trước đòi hỏi ngày càng cao của nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.

Thu Hà (CTV)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN