Nâng cao nhận thức về phòng chống ngộ độc do ăn cóc
(ĐCSVN) - Ngộ độc do độc tố ở cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao, nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời mới có hiệu quả.
Ăn trứng cóc và cóc nguy cơ bị ngộ độc và tử vong (Ảnh: TL) |
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), độc tố của cóc có ở một số bộ phận cơ thể. Trong đó, nhựa cóc có ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc, trong gan và buồng trứng. Độc tố của cóc là hợp chất bufotoxin gồm nhiều chất như 5-MeO-DMT, bufagin, bufotalin, bufotenin, bufothionine, epinephrine, norepinephrine, serotonin… Các chất này tác động đến tim mạch, gây ảo giác, hạ huyết áp... Ngộ độc thực phẩm xảy ra do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (do nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc.
Triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 - 2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu bia) với các biểu hiện: chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, loạn nhịp tim, trụy tim mạch.
Ở người nhiễm độc tố cóc, huyết áp lúc đầu cao, sau đó tụt; có xuất hiện các rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê mỏi), chóng mặt, ảo giác, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp. Nếu nhựa cóc bắn, dính trực tiếp niêm mạc mắt, độc tố trong nhựa này sẽ gây bỏng rát, phù nề niêm mạc...
Ngộ độc do độc tố ở cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao, nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời mới có hiệu quả.
Khi phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo): cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu (bệnh viện).
Nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống ngộ độc thực phẩm do ăn cóc, ngày 19/12, tại thành phố Pleiku, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác phòng- chống ngộ độc thực phẩm do ăn cóc, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn chuyên môn về an toàn thực phẩm năm 2023.
Tham gia hội nghị có hơn 50 đại biểu đại diện trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Hội nghị tập trung chia sẻ, thảo luận các biện pháp phòng-chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên có trong cóc.
Theo Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Gia Lai, từ năm 2013 đến 2023, toàn tỉnh ghi nhận 9 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cóc với 29 người mắc; trong đó có 6 trường hợp tử vong. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cóc; trong đó có 3 trường hợp tử vong đều là đồng bào dân tộc thiểu số. 3 địa phương ghi nhận các trường hợp tử vong do ăn cóc là xã Hà Ra (huyện Mang Yang); xã Ia Rong (huyện Chư Pưh) và xã Ia Băng (huyện Chư Prông).
Công tác tuyên truyền về ngộ độc thực phẩm do ăn cóc được quan tâm triển khai nhưng do thói quen, ý thức, tập quán của người dân dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm và tử vong do ăn cóc vẫn còn xảy ra.
Một người dân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai sau khi bị ngộ độc ăn trứng cóc. (Ảnh: Như Nguyện) |
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng vấn đề truyền thông là một trong những giải pháp quan trọng nhất; tuyên truyền hiệu quả, bằng nhiều hình thức đa dạng đến cộng đồng, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và tử vong do ăn cóc trong cộng đồng.
Dịp này, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Gia Lai đã phổ biến các quy định pháp luật và hướng dẫn một số nội dung chuyên môn nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn gồm: Giới thiệu Thông tư hợp nhất quy định về quản lý thực phẩm chức năng; Thông tư số 17/2023/TT-BYT ngày 25-9-2023 của Bộ Y tế về sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; Quyết định hợp nhất về việc ban hành "Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hoá học trong thực phẩm"; hướng dẫn chuyên môn về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Trước đó, vào ngày 1/12, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Gia Lai cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn trứng cóc xảy ra tại làng Klăh Băng (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) khiến 1 người tử vong và 1 trường hợp nguy kịch. Qua xác minh thông tin, lúc 15 giờ ngày 30-11, anh Kpă Chương (SN 2004) cùng anh Rơ Châm Ái (SN 2003) và anh Rơ Châm Sơng (SN 2006) làm ruộng ở làng Klăh Băng (xã Ia Băng, huyện Chư Prông). Sau đó họ đã bắt 1 con cóc lấy trứng để hấp ăn.
Khoảng 30 phút sau khi ăn trứng cóc, anh Kpăh Chương và anh Rơ Châm Sơng xuất hiện các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn ói, khó thở, vàng da toàn thân. Khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, anh Kpă Chương và anh Rơ Châm Sơng được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai để cấp cứu. Tuy nhiên, anh Kpă Chương đã tử vong ngoại viện, anh Rơ Châm Sơng hiện đang được điều trị.
Riêng anh Rơ Châm Ái, do chỉ nếm một ít trứng cóc nên chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ và tự gây nôn, không đi viện. Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhờ được cấp cứu, hiện anh Rơ Châm Sơng đã tạm thời qua cơn nguy kịch và được theo dõi sát sao./.