Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của đa văn hóa trong doanh nghiệp: Góc nhìn từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

Thứ Sáu, 11/10/2024 23:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc áp dụng và thấu hiểu giá trị của đa văn hóa không chỉ là yêu cầu mà còn là cơ hội quan trọng để Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trên thị trường toàn cầu. Đa văn hóa, nếu được quản lý hiệu quả, sẽ giúp Petrolimex vượt qua những thách thức do sự khác biệt về văn hóa, tư duy quản lý, và cách tiếp cận trong kinh doanh.

Đồng chí  Đặng Trần Hiếu, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội thảo. 

Bài viết “Nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của đa văn hóa trong doanh nghiệp: Góc nhìn từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)” của đồng chí  Đặng Trần Hiếu, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế "Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế"do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 11/10 tại Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của đa văn hóa trong quản trị doanh nghiệp, từ đó đưa ra phân tích cụ thể về những thách thức, cơ hội và giải pháp mà Petrolimex cần áp dụng để phát triển trong môi trường hội nhập quốc tế.

1. Một số vấn đề đa văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế của Petrolimex

Petrolimex là một trong những tập đoàn lớn và lâu đời nhất tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong ngành năng lượng và cung cấp xăng dầu và các sản phẩm lọc hóa dầu cho thị trường trong và ngoài nước. Trong quá trình hội nhập quốc tế, Petrolimex phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự khác biệt văn hóa giữa các đối tác nước ngoài và môi trường quản lý trong nước. Đa văn hóa không chỉ đề cập sự khác biệt về ngôn ngữ, mà còn bao gồm sự khác biệt về tư duy quản lý, phong cách làm việc và các quy chuẩn văn hóa khác.

Một trong những yếu tố quan trọng là phải làm sao để tích hợp các yếu tố văn hóa từ đối tác quốc tế mà không làm mất đi bản sắc văn hóa doanh nghiệp của Petrolimex. Đây là một thách thức lớn trong quá trình phát triển và hội nhập, khi doanh nghiệp cần phải thích nghi với các phương pháp quản lý hiện đại từ đối tác nhưng vẫn giữ vững các giá trị cốt lõi của mình.

Từ những ngày đầu thành lập Petrolimex vào năm 1956 cho tới những năm đầu thập niên 90, Petrolimex đã được hợp tác với đối tác của Liên Xô trong việc thực hiện tiếp nhận các mặt hàng xăng dầu do Liên Xô cung cấp cho Việt Nam. Sau khi Liên Xô tan rã, Petrolimex là một trong những đơn vị đầu tiên xúc tiến và thiết lập quan hệ quốc tế với các nhà cung cấp xăng dầu trong khu vực nhằm bảo đảm nguồn cung cho nhu cầu trong nước.

Qua gần 70 năm hình thành và phát triển, Petrolimex đã có được những mối quan hệ hợp tác bền chặt với các đối tác nước ngoài như Eneos (Nhật Bản) và BP (Anh), trong đó, Eneos là cổ đông chiến lược của Tập đoàn sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt vào năm 2016; BP cùng với Petrolimex thành lập Công ty liên doanh BP Petco từ năm 1992. Bên cạnh hiệu quả kinh doanh, các đối tác này không chỉ mang lại nguồn vốn và công nghệ tiên tiến, mà còn đem đến những giá trị văn hóa mới từ mô hình quản lý phương Tây.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo. 

- Hợp tác với Eneos: Đối tác Eneos đã tham gia vào hai vị trí quan trọng trong Hội đồng quản trị và ban kiểm soát của Petrolimex. Trong quá trình hợp tác, Eneos đã đưa ra nhiều sáng kiến như Kaizen (cải tiến liên tục), DOC (chuyển đổi số) và thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển. Điều này yêu cầu Petrolimex phải điều chỉnh và thích nghi với các phương pháp quản lý mới, đồng thời phải cân nhắc sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp nội tại.

- Hợp tác với BP: Petrolimex và BP đã thành lập liên doanh BP Petco nhằm cung cấp các sản phẩm hóa dầu. Đây là một ví dụ điển hình về sự hợp tác đa văn hóa giữa hai doanh nghiệp từ hai nền văn hóa quản trị khác nhau. Trong quá trình hợp tác này, Petrolimex phải học cách vận dụng các yếu tố quản trị phương Tây mà vẫn duy trì các quy tắc và quy chuẩn của Việt Nam.

2. Thách thức và cơ hội phát triển tiềm năng cho Petrolimex

Thách thức

Cơ chế quản lý hành chính phức tạp và cứng nhắc:

Là một doanh nghiệp nhà nước, Petrolimex vẫn phải tuân theo nhiều quy trình và quy định hành chính cứng nhắc, điều này có thể làm giảm tính linh hoạt trong việc thích nghi với các phương pháp quản lý nhanh nhạy của đối tác quốc tế. Các đối tác như Eneos và BP thường có quy trình quản trị linh hoạt và chú trọng đến hiệu quả, điều này có thể tạo ra sự mâu thuẫn trong cách điều hành và quản lý của Petrolimex.

Khác biệt trong văn hóa quản trị:

Các đối tác quốc tế thường áp dụng các mô hình quản trị dựa trên hiệu quả và hiệu suất (performance-based management). Điều này khác biệt với mô hình quản lý công thường thấy ở các doanh nghiệp nhà nước như Petrolimex, nơi các quyết định thường dựa trên quy trình phê duyệt qua nhiều cấp bậc. Khác biệt này có thể dẫn đến xung đột trong chiến lược quản lý nhân sự và phân bổ nguồn lực.

Thiếu kinh nghiệm trong quản trị rủi ro quốc tế:

Petrolimex đối mặt với rủi ro liên quan đến tài chính, pháp lý và thị trường quốc tế, trong khi đội ngũ quản lý chưa có đủ kinh nghiệm để đối phó với các rủi ro này. Điều này đặt ra yêu cầu phải nâng cao kỹ năng quản lý quốc tế để đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài.

Áp lực từ việc chuyển đổi số và cải tiến công nghệ:

Đối tác Eneos đã thúc đẩy Petrolimex việc áp dụng sáng kiến chuyển đổi số và cải tiến công nghệ. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng công nghệ của Petrolimex chưa thực sự hoàn thiện để đáp ứng những yêu cầu này, gây ra áp lực lớn cho quá trình hội nhập.

Sự phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ:

Với vai trò là một doanh nghiệp nhà nước, các quyết định lớn của Petrolimex thường phải thông qua sự phê duyệt của Chính phủ, điều này làm giảm tính linh hoạt và khả năng thích nghi với thị trường quốc tế.

 
Hội thảo thu hút gần 500 đại biểu trong và ngoài nước tham dự.  

 

Cơ hội phát triển tiềm năng

Tiếp cận nguồn vốn và công nghệ tiên tiến:

Thông qua hợp tác với các đối tác quốc tế như Eneos và BP, Petrolimex có cơ hội tiếp cận với các công nghệ mới, vốn đầu tư lớn và sáng kiến tiên tiến. Điều này giúp hiện đại hóa quy trình sản xuất, tăng năng suất và cải thiện năng lực cạnh tranh.

Nâng cao năng lực quản lý và phát triển nhân sự:

Các đối tác nước ngoài mang lại cho Petrolimex cơ hội học hỏi các phương pháp quản trị tiên tiến, từ đó nâng cao năng lực quản lý, đặc biệt là trong việc phát triển đội ngũ nhân sự theo các chuẩn mực quốc tế.

Mở rộng thị trường quốc tế:

Việc hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế mở ra cơ hội cho Petrolimex tiếp cận và mở rộng hoạt động ra các thị trường quốc tế, từ đó gia tăng cơ hội xuất khẩu và phát triển quy mô kinh doanh.

Tăng cường năng lực cạnh tranh:

Các sáng kiến quản trị tiên tiến và công nghệ mới từ đối tác quốc tế sẽ giúp Petrolimex nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế, tạo nền tảng vững chắc để doanh nghiệp đứng vững trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

Phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội:

Petrolimex có cơ hội phát triển theo hướng bền vững và tuân thủ các chuẩn mực về trách nhiệm xã hội, điều này không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu mà còn giúp doanh nghiệp duy trì mối quan hệ tốt với cộng đồng quốc tế.

Áp dụng đa văn hóa vào quản trị và phát triển doanh nghiệp, một số góc nhìn như là gợi ý về chính sách

Để tận dụng tối đa lợi ích của đa văn hóa trong quá trình phát triển, Petrolimex cần cụ thể hóa việc áp dụng các yếu tố đa văn hóa vào quản trị doanh nghiệp.

Tích hợp các giá trị và phương pháp quản trị quốc tế:

Petrolimex cần tích hợp các giá trị và phương pháp quản trị tiên tiến từ các đối tác quốc tế, chẳng hạn như Kaizen từ Nhật Bản và quản trị theo hiệu quả của phương Tây. Điều này sẽ giúp Petrolimex nâng cao hiệu suất làm việc và tạo điều kiện để phát triển bền vững.

Đào tạo đội ngũ quản lý với tư duy toàn cầu:

Petrolimex cần đào tạo đội ngũ quản lý để hiểu và áp dụng tư duy quản trị đa văn hóa, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, từ đó tăng cường khả năng sáng tạo và linh hoạt.

Xây dựng môi trường làm việc đa văn hóa:

Tạo điều kiện để nhân viên Petrolimex có thể giao tiếp và làm việc với các đối tác từ nhiều nền văn hóa khác nhau, từ đó giúp mở rộng tầm nhìn, học hỏi phương pháp làm việc mới và nâng cao hiệu suất.

Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. 

3. Gợi ý các chính sách mới cho Petrolimex

Chính sách cải tiến quản trị:

Petrolimex ban hành các chính sách khuyến khích áp dụng mô hình quản trị tiên tiến như Kaizen và chuyển đổi số, đồng thời cam kết thực hiện các biện pháp đo lường hiệu quả quản lý dựa trên kết quả thực tế.

Chính sách phát triển nhân sự:

Petrolimex nên xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản trị đa văn hóa cho lãnh đạo và nhân sự chủ chốt, từ đó nâng cao khả năng hợp tác và thích nghi với các đối tác quốc tế.

Chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo:

Tạo điều kiện để nhân viên tham gia vào các dự án sáng tạo cùng đối tác quốc tế, từ đó thúc đẩy tinh thần đổi mới và tạo điều kiện phát triển.

Chính sách mở rộng quan hệ đối tác:

Petrolimex cần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các đối tác chiến lược mới, từ đó tăng cường tiềm năng phát triển và mở rộng quy mô kinh doanh toàn cầu.

Chính sách bảo đảm phát triển bền vững:

Ban hành các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội dựa trên chuẩn mực quốc tế nhằm giúp Petrolimex xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác quốc tế.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đa văn hóa trong doanh nghiệp là cấp thiết. Để đạt được mục tiêu này, 5 nhóm nhiệm vụ sau sẽ được triển khai nhằm thúc đẩy sự tích hợp đa văn hóa trong quản trị và phát triển tại Petrolimex.

Một là, nâng cao nhận thức của lãnh đạo về tầm quan trọng của đa văn hóa trong hội nhập quốc tế

- Tổ chức các khóa học cho lãnh đạo cấp cao về quản lý đa văn hóa và hội nhập quốc tế.

- Tiến hành đánh giá và phân tích tác động của đa văn hóa đến chiến lược phát triển của Petrolimex.

- Tạo ra một tầm nhìn và chiến lược tích hợp đa văn hóa để định hướng tương lai của Petrolimex.

- Thúc đẩy các chuyến công tác, học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đã thành công trong môi trường đa văn hóa.

- Bảo đảm đa văn hóa trở thành một phần không thể thiếu của chiến lược phát triển lâu dài.

Hai là, tăng cường chương trình đào tạo đa văn hóa cho nhân viên

- Chương trình học tập về đa văn hóa: Phát triển các khóa đào tạo, hội thảo về tầm quan trọng của đa văn hóa trong công việc hằng ngày.

- Kỹ năng giao tiếp liên văn hóa: Đào tạo nhân viên về cách làm việc và giao tiếp hiệu quả với các đối tác và đồng nghiệp quốc tế.

- Thực hành văn hóa đa dạng: Khuyến khích nhân viên tham gia vào các hoạt động văn hóa quốc tế và học hỏi từ các nền văn hóa khác.

- Khả năng thích ứng văn hóa: Cung cấp các công cụ để nhân viên tự đánh giá và phát triển khả năng thích nghi với các môi trường làm việc đa văn hóa.

- Đánh giá năng lực liên văn hóa: Thiết lập các tiêu chí đánh giá năng lực liên văn hóa trong quá trình tuyển dụng và đánh giá hiệu quả công việc.

Ba là, tích hợp yếu tố đa văn hóa vào môi trường làm việc

- Chính sách khuyến khích sự đa dạng: Xây dựng các chính sách và hệ thống nhằm khuyến khích sự đa dạng và công bằng trong công ty.

- Tạo dựng môi trường đa văn hóa: Thiết lập các đội nhóm làm việc đa dạng về quốc tịch, văn hóa để tăng cường hợp tác và sáng tạo.

- Thúc đẩy sự hiểu biết: Xây dựng các chương trình giao lưu, sự kiện văn hóa để nhân viên hiểu và tôn trọng sự khác biệt văn hóa.

- Xây dựng văn hóa doanh nghiệp quốc tế: Tạo ra các giá trị và tiêu chuẩn hoạt động phù hợp với môi trường đa văn hóa.

- Xử lý xung đột văn hóa: Đưa ra các quy trình giải quyết xung đột có tính đến yếu tố văn hóa và khuyến khích giải quyết bất đồng một cách tích cực.

Bốn là, thúc đẩy sự hợp tác quốc tế dựa trên tôn trọng đa văn hóa

- Kế hoạch hợp tác quốc tế: Phát triển các kế hoạch hợp tác với đối tác quốc tế dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng đa văn hóa.

- Hội nghị và diễn đàn đa văn hóa: Tổ chức hoặc tham gia các hội nghị, diễn đàn về quản lý đa văn hóa trong khu vực và quốc tế.

- Đàm phán đa văn hóa: Nâng cao kỹ năng đàm phán và làm việc với các đối tác từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

- Thúc đẩy mối quan hệ đối tác: Hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế để xây dựng và mở rộng mạng lưới kinh doanh đa quốc gia.

- Phát triển sản phẩm và dịch vụ đa văn hóa: Điều chỉnh các sản phẩm, dịch vụ của Petrolimex để phù hợp với các thị trường và văn hóa khác nhau.

Năm là, kế hoạch truyền thông nội bộ và bên ngoài về đa văn hóa - Chiến dịch truyền thông đa văn hóa: Thực hiện chiến dịch truyền thông cả trong và ngoài công ty để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đa văn hóa.

- Câu chuyện thành công về đa văn hóa: Chia sẻ những câu chuyện thành công của Petrolimex trong việc quản lý và tận dụng đa văn hóa để phát triển.

- Sử dụng truyền thông xã hội: Tận dụng các kênh truyền thông xã hội để quảng bá hình ảnh của một doanh nghiệp đa văn hóa.

- Bản tin nội bộ: Xuất bản các bản tin hằng tháng về những sáng kiến và hoạt động đa văn hóa trong công ty.

- Kết nối với cộng đồng quốc tế: Tham gia các cộng đồng, diễn đàn đa văn hóa để học hỏi và áp dụng các kinh nghiệm tốt nhất.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc áp dụng và thấu hiểu giá trị của đa văn hóa không chỉ là yêu cầu mà còn là cơ hội quan trọng để Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trên thị trường toàn cầu. Đa văn hóa, nếu được quản lý hiệu quả, sẽ giúp Petrolimex vượt qua những thách thức do sự khác biệt về văn hóa, tư duy quản lý, và cách tiếp cận trong kinh doanh.

Đồng thời, nó cũng mở ra những cơ hội mới trong việc hợp tác quốc tế, cải tiến quản trị, và mở rộng phạm vi hoạt động. Qua đó, Petrolimex có thể tăng cường vị thế của mình trong ngành năng lượng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và nâng cao giá trị thương hiệu trên trường quốc tế. Việc đầu tư vào chiến lược đa văn hóa sẽ là yếu tố quan trọng giúp Petrolimex tiến xa hơn và nhanh hơn trong tiến trình hội nhập và phát triển./.

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN