Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao năng lực tuyên truyền phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Thứ Năm, 17/11/2022 08:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền về phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết để giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngày 16/11/2022, tại tỉnh Thái Nguyên, Vụ Dân tộc thiểu số - Ủy ban Dân tộc đã tiến hành Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền về phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” các tỉnh khu vực miền Bắc.

Hội nghị có sự tham gia của gần 100 đại biểu, đại diện cho Ban Dân tộc tỉnh, các cán bộ xã/thôn/bản, bí thư chi bộ, trưởng thôn/bản, chi hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, người có uy tín của 4 tỉnh: Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Kạn.

Gần 100 đại biểu ở 4 tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Kạn tham dự tập huấn.

Hội nghị được tổ chức là một trong các hoạt động nhằm triển khai thực hiện Tiểu Dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025.

Trong thời gian 3 ngày, từ 16 - 18/11/2022, các đại biểu được nghe giảng viên của Vụ Dân tộc thiểu số, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn các kỹ năng tuyên truyền, vận động; kỹ năng xây dựng văn bản nói, viết trong hoạt động tuyên truyền, vận động; Những quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; Cung cấp thông tin, số liệu về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số cho biết, kết quả điều tra, thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019 cho thấy tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của người dân tộc thiểu số tuy đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là những tập tục lạc hậu và đang cản trở tiến trình nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình, toàn vùng dân tộc thiểu số và cả đất nước.

Giữa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và nghèo đói, thất học, suy giảm chất lượng cuộc sống có mối quan hệ mật thiết, thậm chí là vòng luẩn quẩn. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là hệ quả của sự thiếu hụt về trình độ dân trí, văn hóa, giáo dục, lạc hậu. Ngược lại sự thiếu hụt về trình độ dân trí, văn hóa, giáo dục, lạc hậu dễ khiến xảy ra tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nếu không được ngăn chặn hiệu quả sẽ tiếp tục là một trong những rào cản cản trở tiến trình miền núi tiến kịp miền xuôi mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang nỗ lực thúc đẩy.

Dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 đặt mục tiêu: Chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù; Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào năm 2025; Giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao; Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để góp phần đạt được các mục tiêu trên, công tác thông tin, truyền thông, trong đó có việc tổ chức các lớp tập huấn cho nhóm vị thành niên, thanh niên là người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; các bậc cha mẹ và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; nhóm phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số là giải pháp quan trọng và rất cần thiết.

Ban Tổ chức hy vọng sau khi tham gia tập huấn, các đại biểu sẽ nâng cao nhận thức, đồng thời trở thành những tuyên truyền viên làm lan tỏa tới cộng đồng những mục tiêu của Dự án 9.2, góp phần giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.  

Được biết, sau hội nghị tập huấn dành cho các tỉnh khu vực miền Bắc, Vụ Dân tộc thiểu số tiếp tục tổ chức hội nghị tập huấn cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên./.

Trần Dũng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN