Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao chất lượng và số lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới

Thứ Năm, 14/12/2023 14:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhiều ý kiến của đại diện các địa phương đã trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và số lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục tại Việt Nam.

Ngày 14/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp liên quan đến các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và số lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hà Nội đề xuất giao bổ sung biên chế tuyển dụng giáo viên

Tham luận tại hội nghị, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản GD&ĐT, 10 năm qua, Hà Nội đã tập trung thực hiện các giải pháp về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đạt nhiều kết quả. Quy mô trường, lớp, học sinh các cấp học và trình độ đào tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng tăng lên.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội  tham luận tại hội nghị. Ảnh: TH.

Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đó là cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi để ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Hà Nội đã có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo yêu cầu đổi mới của giáo dục Thủ đô.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất bổ sung phần thực hiện chính sách về tiền lương cho nhà giáo, thực hiện tự chủ tại các trường phổ thông. Cùng với đó, ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời khỏi nội đô thì ưu tiên xây dựng trường công lập.

Đồng thời, đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế tuyển dụng giáo viên, quy định vị trí việc làm, định mức giáo viên, không áp dụng giảm tối thiểu 10% biên chế đối với các cơ sở giáo dục.

Kon Tum: Cần có cơ chế chính sách đặc thù với giáo viên, học sinh vùng khó

Phát biểu tại Hội nghị, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, tỉnh Kon Tum đã cụ thể hóa và quyết liệt thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chất lượng các mặt giáo dục chuyển biến theo hướng tích cực và hiệu quả.

Tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ GD&ĐT phối với với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ quan tâm xem xét ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho các trường có mô hình bán trú dân nuôi, nội trú, trường có đông học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) vùng khó khăn; mở rộng trường hợp thụ hưởng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TL. 

Đồng thời xem xét, hỗ trợ các tỉnh khó khăn như Kon Tum về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, có hướng dẫn cụ thể về bằng tốt nghiệp trung cấp nghề với trường hợp có đầu vào trình độ THCS; có cơ chế chuyển tiếp đối với chính sách hỗ trợ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn sau khi các xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đặc biệt, kiến nghị ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum tương ứng với sự gia tăng quy mô học sinh và không cắt giảm 10% số lượng người làm việc cơ học trong đơn vị sự nghiệp.

Mặt khác, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện thể chế nhằm tránh sự bất cập giữa công tác đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ và công tác tuyển dụng; có cơ chế để tăng cường thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội cho giáo dục và đào tạo.

Lạng Sơn: Kiến nghị đảm bảo đủ số lượng giáo viên trong các cơ sở giáo dục

Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay: Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ, sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TL. 

Môi trường giáo dục từng bước được cải thiện, công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục được nâng lên; công tác duy trì sĩ số được chú trọng, tỷ lệ huy động các cấp học đạt kết quả cao và ổn định; kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được giữ vững ở 100% xã, phường, thị trấn (cấp Tiểu học duy trì phổ cập giáo dục mức độ 3).

Hệ thống trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp phù hợp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh; cơ sở vật chất trang thiết bị được đầu tư, bổ sung, các điều kiện về thực hiện đổi mới Chương trình GDPT 2018 đảm bảo.

Tuy nhiên, theo ông Dương Xuân Huyên, cơ sở vật chất trường lớp học trên địa bàn tỉnh hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nhiều điểm trường, lớp ghép, 730 điểm trường lẻ, 694 lớp ghép, thiết bị dạy học chưa được trang bị kịp thời, vẫn còn tình trạng thiếu 649 giáo viên so với định biên và 1029 giáo viên so với định mức quy định. Giáo dục nghề nghiệp còn khó khăn, cơ chế chưa đảm bảo.

Đề cập đến các giải pháp, Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

Tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ GD&ĐT, Ban cán sự Đảng, Bộ Chính trị ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ, qua đó đảm bảo đồng nhất liên thông giữa các chỉ tiêu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo và giao đủ số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, theo tinh thần ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên, đảm bảo lương nhà giáo được ưu tiên, yên tâm gắn bó với nghề.../.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN