Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở trong quản lý bệnh đái tháo đường

Thứ Tư, 03/10/2018 14:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Việt Nam có 3,53 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và dự kiến đến năm 2045 sẽ tăng lên 6,13 triệu người trưởng thành có thể mắc đái tháo đường. Việc quản lý bệnh đái tháo đường ngay tại tuyến y tế cơ sở, trọng tâm là trạm y tế xã là một trong giải pháp quan trọng mang lại nhiều lợi ích và chi phí hiệu quả cho người dân và cơ quan quản lý.


Ảnh minh họa. Nguồn: Diệp Châu

Các trạm y tế chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu

Tại buổi Tọa đàm Quản lý bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở tuyến y tế cơ sở do Bộ Y tế vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, ĐTĐ là một trong những vấn đề cấp bách của y tế toàn cầu trong thế kỷ 21. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bệnh ĐTĐ có thể phòng ngừa mù lòa và giảm các hậu quả của ĐTĐ đối với người bệnh, gia đình và xã hội. Sàng lọc các biến chứng ĐTĐ là một công tác quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe tối ưu cho người bệnh.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Liên đoàn ĐTĐ quốc tế, trong năm 2017 có 3,53 triệu người mắc bệnh và có nguy cơ gia tăng lên thành 6,13 triệu người vào năm 2045.

Theo kết quả điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy, có tới 69% người tăng đường huyết chưa được phát hiện và trong số người được chẩn đoán chỉ có 29% số người quản lý tại các cơ sở y tế của Bộ Y tế. Phần lớn các bệnh nhân không đạt được đầy đủ các mục tiêu điều trị.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới đã nêu rõ các mục tiêu liên quan đến bệnh lây nhiễm, đó là tỷ lệ Trạm y tế xã, phường thực hiện dự phòng và quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm trong đó có bệnh ĐTĐ đến năm 2020 đạt 95% và đạt 100% vào năm 2030. Đây là một nhiệm vụ quan trọng mà cả hệ thống chính trị và ngành Y tế cần thực hiện.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số vướng mắc về chuyên môn và thanh toán BHYT. Một số địa phương còn chưa xây dựng các chiến lược triển khai cụ thể và có tâm lý chờ đợi kinh phí hỗ trợ từ Trung ương.

Hiện nay, trên cả nước đang có hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản… Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng với vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; giảm chi phí đi lại và chi phí của người bệnh, vừa giảm tải bệnh viện tuyến trên. Vì vậy việc triển khai quản lý đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở, trọng tâm là trạm y tế xã rất quan trọng mang lại lợi ích và chi phí hiệu quả cho người dân và cơ quan quản lý.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, hiện các trạm y tế chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu nên người dân bỏ qua việc dự phòng, nâng cao sức khỏe, chỉ khi ốm đau mới đi bệnh viện. Phần lớn các Trạm y tế chưa quản lý bệnh mạn tính, quản lý sức khỏe một số đối tượng ưu tiên.

Nhằm đáp ứng về sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm và khoảng trống trong quản lý, điều trị, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2559 /QĐ-BYT ngày 20/04/2018 về Kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và ĐTĐ theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018-2020. Để có thể thực hiện được tại  trên 11.000 Trạm y tế trên cả nước, theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền và Sở Y tế các địa phương.

Theo đại điện Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, hiện chỉ 12% xã thực hiện quản lý tăng huyết áp, hầu như chưa quản lý đái tháo đường tại xã. Bên cạnh đó, còn do thiếu cơ chế, chính sách về tài chính, BHYT hỗ trợ cho việc quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, tại cộng đồng, năng lực cán bộ y tế tại tuyến y tế cơ sở chưa đồng đều. Do đó, Bộ Y tế đưa ra lộ trình triển khai quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở áp dụng nguyên lý y học gia đình. Trong đó giải pháp sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp trạm y tế xã, đầu tư trang thiết bị cơ bản, thiết yếu thực hiện thanh toán đường máu mao mạch tại trạm y tế xã; cung ứng thuốc thiết yếu đầy đủ; tăng cường đào tạo cán bộ y tế cơ sở, hướng dẫn chuyên môn...

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, giải pháp cho thực trạng này là cần phải nâng cao năng lực và uy tín trạm y tế xã. Theo đó, ngoài việc tăng cường tập huấn, những trạm nào chưa có bác sĩ, địa phương phải cử bác sĩ từ Trung tâm y tế huyện xuống trạm y tế 2-3 ngày/tuần/lần để tăng thêm uy tín cho trạm y tế.

Cần xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cho cán bộ y tế cơ sở

TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Phó Trưởng khoa Nội tiết và ĐTĐ (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, ĐTĐ có thể được coi là đại dịch còn bởi nó có nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20-40 lần so với những bệnh lây nhiễm. ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, suy thận, gây cụt chi chỉ sau tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bất lực, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ, giảm chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, nhiều người đang sống với bệnh ĐTĐ type 2 trong một thời gian dài không nhận biết được tình trạng bệnh, đến khi được chẩn đoán thường đã xuất hiện các biến chứng của bệnh. Vì vậy, để tăng cường chẩn đoán sớm, điều trị và quản lý ĐTĐ, giảm khoảng trống điều trị bệnh, rất cần xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuẩn mực cho những cán bộ y tế cơ sở.

Mặt khác, ở nước ta, tầm soát ĐTĐ trong thai kỳ cũng chưa được chú trọng. Các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh, huyện, công tác tầm soát ĐTĐ thai kỳ còn thấp. Nhiều sản phụ mang thai còn chưa ý thức về căn bệnh này, thậm chí chủ quan, nên dễ gặp biến chứng trong quá trình sinh nở.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thy Khuê - Chủ tịch Hội Nội tiết và ĐTĐ TP.Hồ Chí Minh cho biết: Tại TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua đã thực hiện Chương trình đào tạo trực tuyến điều trị ĐTĐ cho 500 cán bộ y tế tuyến cơ sở tại 34 BV và phòng khám, trong đó có 205 cán bộ y tế đã được cấp chứng chỉ…

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, tầm soát đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở vẫn chưa được chú trọng, dẫn tới nhiều bệnh nhân chủ quan, gặp biến chứng. Vì vậy, triển khai quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở rất quan trọng. Cùng với đó, việc đánh giá và phát hiện toàn diện bệnh nhân tại tuyến y tế cơ sở, tầm soát đái tháo đường cũng rất quan trọng giúp phát hiện sớm triệu chứng đái tháo đường để điều trị sớm, giảm biến chứng và chi phí cho người bệnh.

Hiện Bộ Y tế đang triển khai thí điểm mô hình trạm y tế tại 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố. Việc xây dựng mô hình điểm trạm y tế xã vận hành theo nguyên lý y học gia đình nhằm giúp cán bộ ngành y tế và người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại tuyến y tế cơ sở./.

Diệp Châu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN