Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 18/03/2022 22:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thực tế cho thấy, người dân tộc thiểu số làm việc trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp có tỷ lệ còn khiêm tốn, chính sách thu hút, đãi ngộ còn chưa thỏa đáng, bất cập…

Ngày 18/03, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Liên minh Châu Âu (European Union) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo góp ý Báo cáo rà soát, đánh giá pháp luật, chính sách và khuyến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan đến nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực (NNL) là người dân tộc thiểu số (DTTS) ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, trọng tâm là lĩnh vực pháp luật và tư pháp. 

Việt Nam là quốc gia có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 14 triệu người chiếm 14,68% dân số cả nước. Địa bàn cư trú chủ yếu ở cùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung – chiếm ¾ diện tích cả nước. Tuy vậy, hiện nay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực (NNL) thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: TH. 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp khẳng định, vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng này. Việc hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển nguồn nhân lực là người DTTS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Người thiểu số làm việc trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp có tỷ lệ còn khiêm tốn, chính sách thu hút, đãi ngộ còn chưa thỏa đáng, còn hạn chế bất cập…

Tại Hội thảo, các ý kiến tập trung phân tích, đánh giá hệ thống pháp luật, chính sách hiện hành có liên quan đến nâng cao chất lượng NNL là người DTTS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa với trọng tâm là phát triển trí lực thông qua giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, bao gồm các chính sách liên quan đến người dạy và người học ở các cấp học, bậc học; chính sách bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn và một số chính sách, quy định pháp luật liên quan đến đầu tư cho cơ sở vật chất, phát triển trường, lớp, cơ sở giáo dục và đào tạo; mở rộng đối với các chính sách, quy định pháp luật về sử dụng NNL ở khu vực bên ngoài nhà nước (luật sư, công chứng, đấu giá viên,…).

Trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến nghị trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật đối với đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy NNL người DTTS, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp như: Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết của Quốc hội và pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nội dung liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi; Đề xuất xây dựng một đạo luật về lĩnh vực dân tộc vào thời điểm thích hợp nhằm điều chỉnh toàn diện, đầy đủ các chính sách dân tộc; Tăng cường giám sát đối với việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi…/.

Vy Thảo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN