Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình vì phát triển bền vững

Thứ Ba, 02/10/2018 10:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nếu trước đây, chính sách dân số luôn nhấn mạnh mục tiêu “giảm sinh” thì mục tiêu của chính sách dân số mới là “duy trì mức sinh” (mỗi bà mẹ có 2 con). Để đạt được mục tiêu này, việc nâng cao chất lượng dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đóng vai trò quan trọng.

Kế hoạch hóa gia đình nhằm nâng cao chất lượng dân số

Trong bốn thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Tổng tỷ suất sinh đã giảm, từ mức mỗi cặp vợ chồng có tới 5 con vào những năm 1970, đến nay tỉ lệ này đã ở mức sinh thay thế là 2.09 con tại thời điểm 2016. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại đã tăng từ 37% trong năm 1988 lên 67% trong năm 2016. Nhờ thành công của chương trình Dân số- KHHGĐ, đã hạn chế được việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, giúp tiết kiệm đáng kể các khoản chi cho các dịch vụ xã hội.

Vừa qua, trong Nghị quyết số 21/ NQ-TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã định hướng cho chính sách dân số Việt Nam thời gian tới là chuyển trọng tâm từ Dân số- KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Theo các chuyên gia, đây chỉ là việc chuyển trọng tâm của chính sách dân số chứ không phải là bỏ qua việc thực hiện KHHGĐ. Thậm chí, công tác này vẫn phải được duy trì mạnh mẽ mới có thể đạt được các mục tiêu đặt ra.


Tư vấn, tiếp thị các phương tiện tránh thai tại Trạm Y tế xã Sơn Lai (Nho Quan, Ninh Bình)
trong chiến dịch dân số đợt 2 năm 2017. (Ảnh: Báo Ninh Bình)

Hiện nay quy mô phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của nước ta vẫn còn rất cao, nhu cầu về cung ứng các dịch vụ về KHHGĐ vẫn rất lớn. Thống kê của Tổng cục Dân số - KHHGĐ cho thấy, tính đến năm 2017, cả nước có khoảng 25 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và con số này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thanh niên (10-19 tuổi) chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 20%). 

Kết quả của nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ KHHGĐ tại Việt Nam, do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng phối hợp thực hiện năm 2017, cho thấy: 80,5% phụ nữ kết hôn trong độ tuổi 15-49 đang sử dụng một BPTT nào đó, trong đó tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 64,4%. Tổng tỷ suất phá thai ở Việt Nam hiện nay là 0,42 có nghĩa là cứ 5 phụ nữ thì có 2 người đã từng phá thai ít nhất một lần trong toàn bộ giai đoạn sinh sản. Khoảng 17,4% phụ nữ đã từng phá thai trong cuộc đời của mình, trong đó tỷ lệ ở khu vực thành thị là 19,6% và ở khu vực nông thôn là 16,5%...

Có thể nói, công tác KHHGĐ góp phần ổn định quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số. Chất lượng dịch vụ KHHGĐ tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn do sự thiếu đồng đều về nhận thức của người dân, về nhân lực, phương tiện tránh thai… Với tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cao, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, phá thai còn lớn, để nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới, theo các chuyên gia, việc nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đóng vai trò quan trọng. Đầu tư vào công tác KHHGĐ chính là đầu tư nhằm cải thiện sức khoẻ và thực hiện các quyền của phụ nữ và các cặp vợ chồng. Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất.

Nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình

Để hoạt động KHHGĐ được bao phủ rộng và đạt hiệu quả, theo các chuyên gia, trong giai đoạn tới, cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai. Đặc biệt, ở Việt Nam cần thực hiện xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai, đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ, thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp, xóa bỏ khác biệt giữa các vùng địa lý nhằm mang lại lợi ích cho người dân.


Đông đảo phụ nữ trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông tham gia
Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. (Ảnh: Báo Đắk Nông)

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần vào cuộc tích cực, chủ động hơn để xây dựng các kế hoạch phù hợp, đa dạng hóa các phương tiện tránh thai - KHHGĐ; Củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng phương tiện tránh thai, KHHGĐ trên cơ sở huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức và từng cá nhân. Đặc biệt, các địa phương cũng cần chú trọng hơn nữa đến đội ngũ cộng tác viên dân số, hỗ trợ cho người dân được nắm bắt thông tin và tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ.

Hiện nay, các cơ sở y tế tư nhân và phi chính phủ đang gia tăng cung cấp các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Do đó, Nhà nước cần xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát hiệu quả để kiểm tra, giám sát chất lượng các phương tiện tránh thai, dịch vụ tại các cơ sở này. Trong đó, các cơ quan chức năng cần xây dựng hướng dẫn cho đội ngũ y tế tuyến huyện để họ giám sát chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình của các cơ sở y tế tư nhân, tổ chức phi chính phủ tại địa phương.

Do hiện nay tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống còn cao nên tỷ lệ thất bại cũng lớn, Tổng cục DS-KHHGĐ cần xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả để giảm thiểu sử dụng phương pháp truyền thống và tăng cường sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Bên cạnh đó, thực hiện truyền thông chuyển đổi hành vi thúc đẩy nam giới tham gia thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình./.

PL (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN