Nam Định: Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
(ĐCSVN) - Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, số người nhập viện tăng cao, ngành Y tế tỉnh Nam Định đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Ngành Y tế tỉnh tăng cường các hoạt động phòng chống bệnh Sốt xuất huyết. (Ảnh: Trình Vũ) |
Bác sỹ Nguyễn Văn Dương, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cho biết, từ đầu năm đến nay, Khoa đã tiếp nhận và điều trị cho gần 500 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Năm nay, tình hình dịch diễn biến thất thường, dịch phát triển từ năm trước đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt, số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị đông. Khoa đã tăng cường nhân viên y tế và chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo chăm sóc bệnh nhân.
Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm nhận định, trong tháng 11 đến giữa tháng 12/2023, số ca bệnh có thể tăng cao. Bệnh viện đã có phương án bổ sung thuốc điều trị, dịch truyền, bổ sung nhân viên y tế cho khoa. Hiện Khoa có 5 bác sỹ, 9 điều dưỡng, 60 giường bệnh.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh Nam Định ghi nhận hơn 1.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong tuần 43 (từ ngày 23 - 28/10), địa phương ghi nhận 187 ca mắc (tăng 39 ca so với tuần trước đó). Toàn tỉnh hiện có 136 ổ dịch. Các huyện Hải Hậu, Xuân Trường và thành phố Nam Định là những địa phương có nhiều ổ dịch với số ca mắc cao; trong đó có những ổ dịch kéo dài như: tại xã Hải Phương, Hải Minh (Hải Hậu); phường Lộc Vượng, Năng Tĩnh (thành phố Nam Định).
Trước tình hình trên, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền phòng dịch cho người dân, các Trung tâm y tế đã phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch nhằm kiểm soát không để dịch bệnh lan rộng. Bác sỹ Lại Tuấn Anh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định cho hay, tại những địa phương có ca mắc sốt xuất huyết, Trung tâm đã hướng dẫn các cơ sở y tế giám sát bệnh nhân, giám sát véc-tơ truyền bệnh; đồng thời, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết tại cộng đồng như: hướng dẫn tổ chức vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy; tập huấn cho người dân cách nhận biết dấu hiệu bệnh, phòng, chống bệnh tại gia đình.
Để kiểm soát bệnh sốt xuất huyết lây lan, bác sỹ Lại Tuấn Anh cho rằng, ý thức của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Thực hiện phương châm không có lăng quăng, không có muỗi sẽ không có sốt xuất huyết, ngành Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh; hàng tuần thực hiện kiểm tra, diệt lăng quăng, lật úp, không để vật dụng chứa nước lâu ngày làm nơi cho muỗi sinh sản. Người dân không nên chủ quan, cần ngủ màn, mặc quần áo dài tay tránh muỗi và đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị khi có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết.
Giám sát bệnh Sốt xuất huyết tại xã Điền Xá, huyện Nam Trực. (Ảnh: Trình Vũ) |
Tháng 8 vừa qua, nhằm hỗ trợ, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn về chẩn đoán và điều trị Sốt xuất huyết Dengue cho cán bộ ngành y tế tỉnh, vừa qua, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã phối hợp với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tổ chức lớp tập huấn cập nhật chẩn đoán và điều trị Sốt xuất huyết Dengue cho 80 bác sỹ, điều dưỡng trong tỉnh.
Tại lớp tập huấn dành cho bác sỹ, các giảng viên đã tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sốt xuất huyết Dengue. Trong đó, tập trung hướng dẫn tổ chức 1 đơn vị điều trị Sốt xuất huyết Dengue; các chẩn đoán phân biệt quan trọng với bệnh Sốt xuất huyết Dengue; hướng dẫn xử trí các trường hợp Sốt xuất huyết Dengue có biến chứng nặng; theo dõi bệnh nhân Sốt xuất huyết Dengue; các hoạt động giám sát ca bệnh Sốt xuất huyết Dengue. Bên cạnh đó, các giảng viên đưa ra các ca bệnh phổ thông, đặc biệt, ca có biến chứng nặng, ca có dấu hiệu cảnh báo, ca sốc Dengue để cùng thảo luận.
Tại lớp dành cho điều dưỡng, các giảng viên đã hướng dẫn chuyển tuyến an toàn đối với người bệnh Sốt xuất huyết Dengue; nhận định, theo dõi, chăm sóc người bệnh Sốt xuất huyết Dengue; lập kế hoạch theo dõi, chăm sóc người bệnh Sốt xuất huyết Dengue; thực hành làm xét nghiệm hematocrit tại giường; thực hành làm nghiệm pháp dây thắt dương tính. Các học viên cũng đã cùng thảo luận về chuyển tuyến, theo dõi, chăm sóc các ca bệnh Sốt xuất huyết Dengue.
Lớp tập huấn giúp cán bộ ngành Y tế tỉnh nâng cao trình độ chuyên môn về chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue, ứng dụng các kiến thức học được vào công tác điều trị, tăng cường công tác phòng chống dịch tại đơn vị, địa phương.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Đặc điểm của Sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong./.