Nam Định: Cần đề cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo đảm trật tự tại các di tích văn hóa, lễ hội Xuân
Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, tại các địa điểm du lịch tâm linh của tỉnh Nam Định như: Khu Di tích Văn hóa, lịch sử Đền Trần, Chùa Tháp (thành phố Nam Định); Đền Bảo Lộc (huyện Mỹ Lộc)... thu hút hàng vạn du khách thập phương về thăm quan, đi lễ đầu năm.
Lợi dụng thời điểm đông người, tranh thủ những ngày nghỉ Tết khi các cơ quan chức năng chưa quản lý chặt chẽ và xử lý mạnh tay, nhiều người kinh doanh dịch vụ đã chớp thời cơ để kiếm lời, bất chấp việc vi phạm quy định của Ban Quản lý di tích.
Có mặt tại khu vực Đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định vào chiều mùng 2 Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, chúng tôi thấy hoạt động dịch vụ diễn ra khá nhộn nhịp. Các loại hàng hóa, đồ lưu niệm, dịch vụ đổi tiền lẻ, bán cành lộc, hoa quả được bày bán công khai dọc hai bên đường trước cổng vào đền. Giá các mặt hàng cũng được đẩy lên cao hơn bình thường.
Khi thấy du khách xuất hiện, những người bán hàng thi nhau chào mời mọi người mua đồ lễ, đổi tiền lẻ. Một số người thậm chí còn bán xúc xích nướng ở bên trong khuôn viên Đền, tạo nên hình ảnh phản cảm ở chốn linh thiêng, để lại ấn tượng không đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước...
Ở khu vực Chùa Tháp (thành phố Nam Định) và Đền Bảo Lộc (huyện Mỹ Lộc), hoạt động dịch vụ cũng sôi động không kém. Tại Chùa Tháp, một số đối tượng bán hàng, ăn xin, chủ yếu là người già ngồi vạ vật ngay tại cổng ra vào chùa gây phiền hà cho khách tham quan.
Ông Vũ Thành Chung, du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Khách tham quan khi cần có thể mua đồ lễ, đồ lưu niệm hay đổi tiền lẻ ngay trước cổng Đền thì cũng tiện lợi. Nhưng để đảm bảo trật tự, tính tôn nghiêm tại khu di tích thì cần quản lý chặt chẽ hơn nữa các dịch vụ này để tránh tình trạng lộn xộn cũng như hạn chế kiểu làm ăn chộp giật, thời vụ gây bức xúc cho du khách.
Nắm bắt được tâm lý của khách hành hương tại các di tích, dịch vụ bán đồ lễ, đổi tiền lẻ hoạt động sôi động hơn cả. Đầu năm 2016, nhằm nâng cao nếp sống văn minh trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh, tiết kiệm chi phí cho nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Nam Định đã ra thông báo về việc thực hiện chủ trương hạn chế sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động lễ hội, tín ngưỡng; không đưa các loại tiền mới in từ 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông.
Các cơ quan chức năng cũng đã khuyến cáo nhân dân nên sử dụng đồng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, đúng chức năng là phương tiện thanh toán; không ném tiền, thả tiền... tại các khu di tích, đền, chùa, lễ hội nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại các khu di tích, đền, chùa, lễ hội đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tại Đền Trần, Chùa Tháp, Đền Bảo Lộc, cùng với những người chuyên đổi tiền lẻ cho khách, gần như các điểm bán đồ lễ đều kèm theo dịch vụ đổi tiền lẻ. Các loại tiền có mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng được đổi công khai với mức chênh lệch 100.000 đồng tiền chẵn lấy 80.000 đồng tiền lẻ. Ban Quản lý các di tích đã đặt các hòm công đức, hòm đựng tiền giọt dầu, nhang đèn nhưng người đi lễ vẫn cài tiền vào mâm ngũ quả, đặt tiền trên ban thờ.
Các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng lộn xộn hoạt động dịch vụ tại các di tích, công trình tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội song thực tế cho thấy tình trạng này vẫn diễn ra.
Cơ quan quản lý văn hóa cho rằng: Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, nhất là người dân và du khách trong việc tự giác chấp hành các quy định về văn hóa, tín ngưỡng là "chìa khóa" để giải quyết bài toán trật tự, văn minh tại các di tích, xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè gần xa, góp phần quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch, thu hút du khách, tăng nguồn thu cho địa phương./.