Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa

Thứ Tư, 23/11/2022 09:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Việc lần đầu tiên sâm và các dược liệu quý nhận được sự đầu tư từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã mở ra cơ hội lớn để đồng bào dân tộc "sống với rừng, thoát nghèo từ rừng và tiến tới làm giàu từ rừng”.

Giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện thuộc 21 tỉnh, với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.

Tổng mức đầu tư hỗ trợ có thể lên tới 65 tỷ đồng cho một vùng dự án, với các nội dung hỗ trợ như: Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ; hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh; hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm…

Đối với các dự án trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao, Nhà nước hỗ trợ 1 lần tối đa 80% chi phí sản xuất giống gốc và 50% chi phí sản xuất giống thương phẩm…

Bên cạnh đó, còn được hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia vào dự án với tổng mức cho vay tới 45% tổng mức đầu tư của dự án, nhưng không quá 96 tỷ đồng đối với dự án vùng trồng dược liệu quý và không quá 92 tỷ đồng với dự án Trung tâm nhân giống, thời hạn cho vay lên tới 10 năm và lãi suất ưu đãi 3,96%/năm. 

 
Việt Nam hiện có tới 5.117 loài dược liệu, trong đó có nhiều loại dược liệu quý, hiếm, là kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, sản phẩm chăm sóc bảo vệ sức khỏe từ dược liệu, hóa mỹ phẩm từ dược liệu (Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm quan Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022)
Hằng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành Y tế nước ta ước tính khoảng 100.000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm. 
 Theo Tổ chức Y tế thế giới, có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028 (Trong ảnh: Bộ đội Biên phòng Đồn Thanh hướng dẫn, hỗ trợ người dân thôn A Quan, xã Lòa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị trồng cây thảo dược cà gai leo).
Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật, không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi, nông thôn mà còn có thể xuất khẩu đóng góp tăng trưởng GDP cho nền kinh tế nước nhà (Trong ảnh: Một số hộ dân ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai mạnh dạn đầu tư trồng cây Tam thất trên đỉnh núi cao).
Trong đó, Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) và Sâm Lai Châu được xác định là đối tượng có nhiều tiềm năng và lợi thế do là loại cây dược liệu bản địa đặc hữu, có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới (ảnh Phụ nữ người dân tộc Hà Nhì ở Lai Châu chăm sóc vườn Sâm)
Theo giá thị trường hiện nay, Sâm Ngọc Linh loại 1 giá 22 triệu đồng/lạng; loại 2 giá 12 triệu đồng/lạng; loại 3 giá 9 triệu đồng/lạng. Sâm hoàn toàn có thể trở thành cây làm giàu cho đồng bào dân tộc thiểu số do chủ yếu sinh sống ở địa bàn vùng cao, biên giới, dưới các tán rừng nguyên sinh
Vấn đề là gây trồng, phát triển cây sâm cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Theo tính toán, trồng 1 ha sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum và Quảng Nam cần đầu tư khoảng 3 tỷ đồng trong 8 năm (chưa kể hạ tầng giao thông), trong đó tiền mua giống cây chiếm tỷ trọng lớn nhất (ảnh: Vườn ươm giống cây Sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam)
Bên cạnh đó, phạm vi có khả năng trồng, phát triển dược liệu trải rộng trên 22 huyện thuộc 21 tỉnh nên để phát triển thành công đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn và cách làm bài bản (Trong ảnh: Chuẩn bị đất trồng Sâm Bố Chính ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai)
Mục tiêu phát triển dược liệu trong nước được Chính phủ lựa chọn hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trong khu vực triển khai dự án thông qua Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Trong ảnh: Người dân xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai chăm sóc cây Sâm Bố Chính)
Đây là một quyết sách mang tính chiến lược trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn phát triển dược liệu với sinh kế, mở ra cơ hội giúp đồng bào "sống với rừng, thoát nghèo từ rừng và tiến tới làm giàu từ rừng”
Trần Quỳnh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN