Nấc thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran
(ĐCSVN) – Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran đang có nguy cơ tăng nhiệt sau khi Washington cáo buộc Tehran tấn công hai tàu chở dầu trên biển Oman, còn phía Iran lại coi đây là một “sự cố đáng ngờ” diễn ra vào đúng thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang trong chuyến công du quan trọng tới Iran.
- Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Iran
- Thủ tướng Nhật Bản và sứ mệnh hàn gắn mối quan hệ Iran - Mỹ
Sáng 13/6, tàu Front Altair của hãng tàu biển Frontline của Na Uy, và tàu Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo vận hành được cho là đã "bị tấn công" trên Vịnh Oman, có thể bằng ngư lôi hoặc bằng mìn từ tính. Các cuộc điều tra đang được tiến hành nhằm làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Trước đó, Hải quân Iran đã tham gia cứu hộ 44 thủy thủ của hai tàu trên. Được biết tàu Front Altair chở 75.000 tấn naphtha, một loại nhiên liệu hydrocarbon dạng lỏng, trong khi tàu Kokuka Courageous chở 25.000 tấn methanol. Các thủy thủ trên hai còn tàu này đều được cứu sống và chỉ có 1 người bị thương.
Cho tới nay, chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công trên. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã quy kết trách nhiệm cho Iran mà không đi kèm theo bằng chứng cụ thể.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết, đánh giá này được ông đưa ra dựa trên những thông tin tình báo, loại vũ khí đã được sử dụng, trình độ chuyên môn cần thiết để thực hiện vụ tấn công, các vụ tấn công tương tự nhằm vào các phương tiện chuyên chở trên biển mà ông Pompeo cho là Iran đã thực hiện trong thời gian gần đây cùng với thực tế rằng, không hề có một nhóm được ủy quyền trong khu vực này có nguồn lực và sự thành thạo để thực hiện một hành động với mức độ tinh vi cao như vậy. Thậm chí đại diện ngoại giao này còn cho rằng, việc Iran tấn công một tàu chở dầu của Nhật Bản vào thời điểm Thủ tướng Shinzo Abe đang ở thăm Iran là một hành động “xúc phạm”.
Hồi tháng 5/2019, 4 tàu chở dầu khác cũng bị tấn công ở ngoài khơi bờ biển Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Một số nước gồm: Ả rập Xê út, Nauy, UAE cho rằng các vụ tấn công này được gây ra là bởi “một thực thể nhà nước”. Trong khi đó, Mỹ lại tỏ ra thẳng thắn hơn khi cáo buộc Iran đứng đằng sau các vụ tấn công trên. Tuy nhiên, Iran đã lên tiếng bác bỏ.
Hiện nước thành viên chủ chốt của Mỹ tại Trung Đông là Ả rập Xê út đã bày tỏ quan điểm đồng ý với lập luận của Washington cho rằng Iran đứng đằng sau các vụ tấn công ngày 13/6. Anh cũng đứng về phía Mỹ khi cho rằng Iran phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công, đồng thời cảnh báo thêm rằng, Iran “hoàn toàn thiếu thận trọng” khi thực hiện các hành động này.
Cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế và điều tra kỹ lưỡng vụ việc
Bên cạnh những ý kiến quy kết trách nhiệm cho Iran thì cũng có nhiều nước bày tỏ quan ngại trước diễn biến này và kêu gọi các bên kiềm chế để tránh tình huống bùng phát thành xung đột.
Ngày 13/6, Bộ Ngoại giao Qatar đã lên án hành động phá hoại này “cho dù ai là thủ phạm gây ra vụ việc”, đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra. Qatar cảnh báo diễn biến này có nguy cơ đe dọa an ninh tại khu vực Vịnh Persian và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh hành động làm gia tăng căng thẳng.
Được biết, ngay trong chiều 13/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã triệu tập phiên họp khẩn theo hình thức kín để thảo luận về sự cố tàu trên Vịnh Oman – một thủy lộ chiến lược ngoài khơi bờ biển Iran, theo yêu cầu từ phía Mỹ.
Quyền Đại diện thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc Jonathan Cohen cho biết: “Tôi đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp tục lưu tâm tới vụ việc này. Và tôi hy vọng rằng chúng ta có thể tiến hành các vòng thảo luận tiếp theo về các biện pháp ứng phó trong những ngày tới”.
Về phía Đại sứ Kuwait tại Liên hợp quốc Mansour al-Otaibi đã tuyên bố trước toàn bộ 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng các vụ tấn công trên biển Oman là hành vi “đáng lên án”. Tuy nhiên, đại diện ngoại giao này cho biết thêm rằng, trong phiên họp diễn ra cùng ngày, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không thảo luận về bằng chứng nào có thể cho thấy Iran đứng đằng sau hành động này.
Ngày 13/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã cảnh báo hành động quy chụp trong việc chỉ trích sự cố "khả nghi" xảy ra sáng cùng ngày ở Vịnh Oman, gần bờ biển của Iran, đồng thời cho rằng các bên không nên kết luận vội vã và lợi dụng vụ việc này để gia tăng áp lực với Tehran. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng khẳng định hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận bởi những thông tin chưa được thu thập đầy đủ. “Không ai biết động cơ của hành động này là gì” – ông Peskov nói.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif kêu gọi đối thoại khu vực nhằm tránh căng thẳng.Trong một dòng trạng thái trên mạng Twitter, ông Zarif cho biết "các vụ tấn công được thông báo liên quan đến tàu chở dầu của Nhật Bản" trên Vịnh Oman diễn ra đúng vào thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang hội kiến Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei để tiến hành "các cuộc thảo luận tích cực và thân thiện". Ông cho rằng sự cố này là rất "khả nghi” và khẳng định, Iran sẵn sàng hợp tác an ninh khu vực nhằm bảo vệ các hải trình chiến lược.
Ngày 13/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã mạnh mẽ lên án các vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu trên vịnh Oman và cảnh báo thêm rằng “thế giới không thể để xảy ra một cuộc đối đầu lớn tại vùng Vịnh”. Người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định chân tướng vụ việc sẽ được làm sáng tỏ và danh tính của những kẻ phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công phải được xác định rõ ràng./.