Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mỹ hối thúc OPEC+ tăng sản lượng dầu

Thứ Năm, 12/08/2021 10:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 11/8, giới chức Mỹ hối thúc nhóm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác, còn gọi là OPEC+, tăng sản lượng dầu nhằm đối phó với giá dầu đang tăng đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Mỹ hối thúc OPEC+ tăng sản lượng dầu do lo ngại giá dầu tăng đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
(Ảnh: Reuters)

Trong tuần này, các quan chức Nhà Trắng đã có cuộc trao đổi cùng các đại diện của OPEC, bao gồm Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất (UAE) cũng như các thành viên khác của OPEC+.

Trong một tuyên bố, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho rằng, mức tăng sản lượng dầu theo kế hoạch của những nhà sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới là không đủ vào thời điểm quan trọng hiện nay khi các nền kinh tế bắt đầu dần phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Ông cảnh báo nếu không được kiểm soát tại các thị trường có tính cạnh tranh cao, giá dầu cao hơn có nguy cơ đe dọa sự phục hồi toàn cầu đang diễn ra. Quan chức Mỹ khẳng định OPEC+ cần hành động  nhiều hơn nữa để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.

Yêu cầu được đưa ra cho thấy, Nhà Trắng đã sẵn sàng tham gia cùng các nhà sản xuất dầu chủ chốt để tăng thêm nguồn cung cho thị trường.

Sau thông báo từ Nhà Trắng, trong phiên giao dịch cùng ngày, giá dầu thô Brent trên thế giới giảm 0,8%, được giao dịch ở mức 70,04 USD/thùng.

Ngày 18/7 vừa qua, OPEC+ cho biết, 23 thành viên của nhóm đã nhất trí từ tháng 8 đến tháng 12 sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày, tức mỗi tháng sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày.

Cùng với đó, thay vì kết thúc thỏa thuận cắt giảm chung vào tháng 4/2022 như dự kiến ban đầu, OPEC+ sẽ điều chỉnh kế hoạch cho tới tháng 12/2022 nhằm đề phòng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.

Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết, ông tin rằng thỏa thuận đạt được cho thấy OPEC+ giờ đây có thể vượt qua những bất đồng và thị trường dầu mỏ sẽ trở nên rõ ràng hơn. 

Trước đó, các cuộc đàm phán của OPEC+ đã rơi vào tình trạng bế tắc sau khi xảy ra tranh chấp giữa Ả rập Xê út và UAE về cách gia hạn thỏa thuận.

OPEC+ đã thực hiện các biện pháp mang tính lịch sử vào tháng 4/2020 khi cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong một nỗ lực hỗ trợ giá dầu khi nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Kể từ đó, OPEC+ đã từ từ đưa sản lượng trở lại thị trường, đồng thời nhóm họp mỗi tháng để thảo luận về chính sách sản lượng trong thời gian tiếp theo./.

 

Hoài Hà (Theo CNBC, Reuters)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN