Mỹ giữ nguyên chiến lược trong vấn đề Triều Tiên
(ĐCSVN) – Mỹ vẫn tập trung vào những giải pháp ngoại giao để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, song cũng chuẩn bị sẵn sàng về mặt quân sự trong trường hợp những nỗ lực ngoại giao thất bại.
Thông điệp trên được quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn do hãng truyền thông Fox News phát đi ngày 13/5. Đây được xem là một phản ứng từ phía Washington trước các vụ phóng tên lửa do Triều Tiên thực hiện vào cuối tuần trước.
Trong cuộc trả lời báo giới chỉ vài ngày sau khi được Tổng thống Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Shanahan khẳng định nước này vẫn giữ nguyên chiến lược trong vấn đề Triều Tiên, đó là phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên thông qua con đường ngoại giao.
“Công việc của tôi là bảo đảm việc chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp các nỗ lực ngoại giao thất bại…Đó cũng là trọng tâm của tôi về mặt quân sự. Chúng tôi không có sự thay đổi gì trong các động thái về lực lượng, sự chuẩn bị lực lượng và tinh thần sẵn sàng” – ông Shanahan nói.
Đề cập tới các vụ phóng tên lửa tầm ngắn do Triều Tiên thực hiện về vùng biển phía Đông ngày 9/5, một phát ngôn viên Lầu Năm góc khẳng định đây chính là các thiết bị tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc chưa công bố thông tin về loại vũ khí đã được Triều Tiên sử dụng trong vụ phóng. Nếu nghi ngờ của Mỹ được chứng thực thì Triều Tiên có nguy cơ sẽ phải đối mặt với những thách thức mới bởi các bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm nước này thực hiện các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News, ông Shanahan đã từ chối trả lời câu hỏi về việc thiết bị mà Triều Tiên vừa phóng đi có phải là một phiên bản khác của tên lửa đạn đạo Iskander do Nga sản xuất hay không, cũng như có sự trùng hợp nào khi mà vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra chỉ ít lâu sau khi Hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều Tiên kết thúc. Thay vào đó, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng ông sẽ để mọi người tự tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên.
Sau một số tiến bộ ghi nhận được trong năm 2018, các vòng đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình trệ kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội vào cuối tháng 2/2019 không đạt kết quả do những bất đồng chưa thể thu hẹp. Mỹ đề nghị Triều Tiên dỡ bỏ toàn bộ các cơ sở hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh cấm vận. Trong khi đó, Triều Tiên lại theo đuổi cách tiếp cận khác khi yêu cầu Mỹ gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận trước khi khởi động việc phi hạt nhân hóa./.