Một số ý kiến về phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016
(ĐCSVN) - Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có văn bản gửi các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), các sở GD&ĐT về những thay đổi trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2016, đến nay, phần lớn các trường ĐH, CĐ đã chính thức công bố phương án tuyển sinh. Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn về những bất cập trong kì thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh 2016.
Ảnh minh họa
Trên phương diện tổng thể, có thể thấy, phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 theo công bố gần đây của Bộ GD&ĐT có nhiều điều chỉnh về tổ chức thi và tuyển sinh theo hướng phát huy tối đa ưu điểm và khắc phục nhược điểm trong kỳ thi năm 2015, nhằm hạn chế tiêu cực, tiết kiệm chi phí cho ngân sách cũng như người dân. Đặc biệt có nhiều điều chỉnh theo hướng tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh tham gia thi và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.Bàn về cụm thi, thầy Nguyễn Văn Trường, giáo viên Trường THPT Trần Nhật Duật, Yên Bình, Yên Bái cho biết: Điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 là Bộ GD&ĐT có sự điều chỉnh về cụm thi vào các trường ĐH, CĐ. Nếu như năm 2015, kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức ở 38 cụm thi, tập trung ở các tỉnh, thành phố thì năm 2016, Bộ GD&ĐT có sự điều chỉnh là mỗi tỉnh, thành phố đều tổ chức cụm thi, như vậy sẽ giảm lượng thí sinh tập trung ở các thành phố. Tuy nhiên nếu mỗi địa phương đều tổ chức cụm thi riêng thì phải tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ coi thi. Đây cũng là một áp lực lớn đối với các địa phương.
Cùng bàn về cụm thi, cô giáo Lê Thị Ngân Thương, hiện đang giảng dạy môn Địa lý tại trường THPT Yên Sơn, Tuyên Quang cho biết: Tôi rất băn khoăn về việc nếu các địa phương tổ chức cụm thi thì phải làm hai cụm: một cụm do Sở GD&ĐT tổ chức để thi tốt nghiệp, cụm còn lại do các trường ĐH, CĐ đảm nhiệm. Tôi cho rằng điều này lãng phí và không cần thiết. Mặt khác, cách phân chia này khiến mọi người hiểu lầm là thi ở cụm tốt nghiệp sẽ không được xét tuyển vào ĐH, thậm chí có người còn nghĩ rằng cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì sẽ “dễ thở” hơn so với các cụm thi do các trường ĐH, CĐ chủ trì.
Bổ sung thêm cho ý kiến trên, thầy Nguyễn Thế Hùng, giáo viên trường THPT Hiệp Hòa 3 (Bắc Giang) cho biết: Việc thay đổi tổ chức các cụm thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh nhưng cũng gây nên những băn khoăn trong dư luận xã hội. Bởi thực tế việc tổ chức các cụm thi như năm 2015 (cụm thi tốt nghiệp ở từng tỉnh, thành phố và cụm thi ĐH liên tỉnh) khá hiệu quả. Nếu triển khai cụm thi ĐH ở tất cả các tỉnh năm 2016 một cách cứng nhắc về địa giới hành chính có thể dẫn đến những xáo trộn lớn đối với thí sinh. Thực tế có những thí sinh sang tỉnh bên dự thi lại gần, thuận lợi hơn là lên trung tâm của tỉnh mình đang cư trú dự thi.
Khác với một số ý kiến trên, thầy Đỗ Trọng Hòa, Trường THPT Nho Quan (Ninh Bình) cho rằng: Để giảm đi gánh nặng và áp lực vào mỗi mùa thi, Bộ GD&ĐT nên tiếp tục giao phó để tăng quyền tự chủ cho các trường, các địa phương. Vì thực tế kỳ thi 2015 vừa qua đã chứng minh cụm thi địa phương và cụm thi trường ĐH, kết quả không chênh lệch nhau nhiều. Bộ cũng nên rà soát lại cho kỹ hơn từ khâu tổ chức thi, công bố điểm thi sao cho khoa học, đồng bộ, hợp lí để thí sinh không phải mệt mỏi vì phải ngóng đợi, vì phải hồi hộp..
Cô Phạm Thu Hương, giáo viên Trường THPT Như Thanh (Thanh Hóa) góp ý: Từ nhìn nhận thực tế kì thi 2015, tôi thấy việc điều chỉnh phương tiện kỹ thuật phục vụ thi cử cho tốt hơn là điều cần thiết nhất hiện nay. Bộ GD&ĐT nên chú trọng đầu tư đúng mức vào lĩnh vực thiết yếu này, bởi nó góp phần không nhỏ vào hiệu quả của một kì thi. Bộ GD&ĐT cần xem xét giao quyền tự chủ cho các trường, các cụm thi trong kỳ thi năm nay theo hướng dữ liệu điểm thi của thí sinh Bộ vẫn quản lý, nhưng việc công bố kết quả nên giao cho Sở GD&ĐT công bố, tránh việc chờ đợi, nghẽn mạng, mất thông tin...
Nhiều ý kiến khác cho rằng, các địa phương và các trường nên sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ, kể cả việc điều chỉnh cho thí sinh đăng ký xét tuyển đường qua bưu điện và trực tuyến. Đợt xét tuyển đầu tiên kéo dài 12 ngày và mỗi thí sinh được đăng ký vào tối đa hai trường, mỗi trường tối đa hai ngành là khả quan. Còn trong các đợt xét tuyển kế tiếp, nên hạn chế cả về thời gian và số lượng trường, ngành đào tạo. Bởi nếu để thời gian các đợt xét tuyển kế tiếp mỗi đợt kéo dài 10 ngày; mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển tối đa ba trường; mỗi trường tối đa hai ngành đào tạo, sẽ dẫn đến số lượng nguyện vọng của thí sinh rất nhiều, có thể gây ra tình trạng thí sinh ảo, ảnh hưởng không nhỏ cho công tác tuyển sinh của các trường./.