Một số ý kiến về chủ trương triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên
(ĐCSVN) - Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra chủ trương sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn.
Cụ thể, theo đại diện của Bộ GD&ĐT, việc chuyển giáo viên sang hợp đồng sẽ tiến hành theo lộ trình từng bước thí điểm, sau đó mới nhân rộng. Việc chuyển sang chế độ hợp đồng với giáo viên là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
Về vấn đề này, một số cán bộ, giáo viên, người dân bày tỏ quan điểm đồng tình, nhưng cũng có không ít những băn khoăn...
Cô Nguyễn Thị Huấn - giáo viên Trường THPT Gia Viễn C, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) cho biết: Tôi ủng hộ chủ trương trên của Bộ GD&ĐT. Đã đến lúc chúng ta phát thoát dần tư tưởng biên chế mang tính bao cấp. Chủ trương trên còn tạo ra sự công bằng, bởi thực tế hiện nay có không ít những người là lao động hợp đồng, nhưng năng lực chuyên môn của họ rất tốt, nếu không muốn nói trội hơn một số lao động trong biên chế. Mặt khác, lao động hợp đồng thường xuyên phải nỗ lực làm việc tốt để không bị chấm dứt hợp đồng, nên động lực tự rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn sẽ khác với những lao động dựa dẫm vào biên chế. Ngoài ra, hình thức hợp đồng còn tạo ra sự cạnh tranh tích cực giữa các giáo viên với nhau, sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy học, tạo sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục trong việc thu hút giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhàn, công tác tại Trung tâm Giáo dục đặc biệt, ở thị trấn Yên Bình (Yên Bái) có ý kiến: Từ lâu tôi thấy tư tưởng biên chế đã làm hạn chế rất nhiều nền giáo dục nước nhà. Khi chưa được vào biên chế, người lao động sẽ phấn đấu bằng mọi giá để có được biên chế, nhưng khi vào biên chế rồi thì sức ỳ lại nảy sinh... Mặt khác, chủ trương bỏ biên chế trong giáo viên còn giảm gánh nặng về ngân sách cho Nhà nước. Do đó, tôi thấy chủ trương chuyển giáo viên sang hợp đồng hướng tới bỏ biên chế là chủ trương có tính khả thi cao.
Tuy nhiên, theo tôi, Bộ GD&ĐT cũng cần chọn lộ trình và đối tượng thí điểm sao cho phù hợp với đặc thù của vùng miền. Tôi xin ví dụ như với các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi khó khăn cần phải có lộ trình áp dụng riêng, chứ không thể đánh đồng với các vùng miền có điều kiện thuận lợi được. Có một thực tế, nhiều thầy cô đang ngày đêm giảng dạy ở các bản làng, điểm trường vùng cao thì việc được biên chế cũng là mục tiêu cả cuộc đời họ. Nếu chúng ta dập tắt đi ngọn lửa phấn đấu ấy sẽ khiến họ nản chí, và việc xã hội hóa giáo dục sẽ gặp nhiều khó khăn nếu lại xuât hiện vùng trắng giáo viên.
Ông Trần Quốc Việt, cán bộ hưu trí ở thị trấn Trại Cau, Đồng Hỷ (Thái Nguyên) cho rằng: Tôi thấy chủ trương thì đúng, nhưng bản thân chỉ băn khoăn các yếu tố có thể phát sinh trong quá trình thực hiện chủ trương này, bởi nó phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu, cụ thể là hiệu trưởng. Thực tế hiện nay, chưa có một cơ chế nào có thể đảm bảo được sự công tâm của người đứng đầu, nên rất có thể phát sinh ra tiêu cực, tư tưởng bè phái cục bộ trong công tác nhân sự. Vì vậy, một điều kiện tiên quyết nếu thực hiện chủ trường phải có chế tài mạnh để kiểm soát tiêu cực. Nếu không sẽ phát sinh ra nhiều hệ lụy, tiêu cực khi quyền quyết nhân sự tập trung vào cá nhân, người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Tôi cho rằng, bỏ chính sách cán bộ, công chức trong ngành Giáo dục hưởng lương theo ngân sách là tốt nhất, đưa ra cơ chế lương mới đảm bảo đời sống thu nhập của cán bộ, công chức sẽ thúc đẩy người tài thi vào sư phạm. Theo dõi trong những năm gần đây, tôi thấy chất lượng giáo viên ngành sư phạm giảm đáng kể. Thay đổi để đưa ra cơ chế lương mới, đồng thời không còn công chức, viên chức trong giáo viên nữa (nguyên nhân của sức ỳ lớn) sẽ thúc đẩy sự nghiệp giáo dục gắn liền với thực tiễn hơn.
Trước đây và hiện nay, với chế độ công chức, viên chức, ngành Giáo dục thực hiện quản lý bằng Luật Giáo dục, các thông tư, quy định, điều lệ của trường. Cùng với đó là phát huy sự tâm huyết, lòng yêu nghề, yêu người, trí tuệ và tâm sức của các nhà giáo. Đó là những yếu tố rất quan trọng để đánh giá sự thành công và chất lượng của một nhà trường. Vậy thì, khi chuyển sang chế độ hợp đồng, liệu chúng ta có phát huy được những yếu tố trên của nhà giáo?
Vẫn biết nhu cầu lao động một phần do thị trường, nhưng khi làm, chúng ta cần cân nhắc lộ trình, đối tượng sao cho thật khoa học, phù hợp. Nếu không hợp lý rất có thể chủ trương này phát sinh ra nhiều tiêu cực, thành cơ hội cho một bộ phận trục lợi và người chịu thiệt thòi nhất lại chính là các giáo viên. Từ đó, sẽ dẫn đến một tất yếu là việc thu hút đầu vào ngành sư phạm sẽ bị hạn chế do không còn nhiều người tha thiết với nghề sư phạm nữa. Và tương lai không xa, chúng ta lại quay lại vòng luẩn quẩn mang tên “thiếu giáo viên” mà thôi./.